Sự kiện nhằm vinh danh những DN hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận tốt, có vị thế trong ngành và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn ngành. Đáng chú ý, trong Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023, các ngân hàng giữ vị trí áp đảo!
Bài 16: MWG - nhà bán lẻ số 1 Việt Nam
Chủ tịch MWG cho biết, doanh nghiệp đã sẵn sàng đối phó với những biến động thị trường, có dư địa - quyết tâm để hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng năm 2024. Sau quý đầu năm, MWG đã thực hiện hơn 25% kế hoạch doanh thu và gần 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Vẫn là ông trùm bán lẻ
Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) thông tin:
Bối cảnh vĩ mô năm vừa rồi, không thuận lợi với nhiều diễn biến khó lường về chính trị - kinh tế. Tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và việc làm kém khả quan, đã tác động đáng kể đến thu nhập, niềm tin và xu hướng tiêu dùng của người dân.
Sức mua giảm ở hầu hết các ngành hàng, nhất là ngành hàng không thiết yếu, gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp đạt hơn 118.000 tỷ doanh thu hợp nhất, bằng 89% doanh thu năm trước đó và hoàn thành 88% kế hoạch đề ra. Doanh thu online đạt xấp xỉ 17.000 tỷ đồng, giảm 11% svck và chiếm 14% tổng doanh thu của công ty.
Bên cạnh đó, thị phần điện thoại của MWG đối với nhãn hàng Apple đã tăng từ 25 - 30% giai đoạn đầu năm, lên 50% vào cuối năm 2023.
Cả năm 2023, kết quả doanh thu xấp xỉ 90% kế hoạch với hơn 118.000 tỷ đồng; tuy nhiên lợi nhuận sụt giảm sâu 96%, xuống còn 168 tỷ đồng, mức thấp nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2013 đến nay.
Thegioididong.com được thành lập từ năm 2004, là chuỗi bán lẻ thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng, laptop và phụ kiện) có thị phần số 1 Việt Nam với hơn 2.960 điểm bán thiết bị di động (bao gồm gần 1.000 cửa hàng Thế Giới Di Động) hiện diện tại 63 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam
Về cơ cấu doanh thu theo chuỗi, chuỗi Điện máy Xanh đóng góp lớn nhất với 46,7%, kế đó là Bách hóa Xanh với 26,7% và chuỗi Thế Giới Di Động là 23,9%.
Chuỗi Thế Giới Di Động (bao gồm cả Topzone) và Điện máy Xanh, ghi nhận doanh thu lần lượt hơn 28.000 tỷ đồng và 55.000 tỷ đồng, đều giảm so năm trước.
Theo MWG, 2 chuỗi này bị tác động nặng nề nhất, do nhu cầu yếu ớt và tâm lý tiêu dùng tiết kiệm của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm đã có sự cải thiện liên tục từ mức giảm 34% trong quý I/2023 (so quý I/2022), sang mức giảm 20% trong quý II, xuống giảm 14% trong quý III và còn giảm 7% trong quý IV/2023.
Đáng chú ý, MWG đã đóng cửa gần 200 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, hoạt động không hiệu quả trong quý IV/2023.
Chuỗi điện máy ở Indonesia Erablue, ghi nhận doanh thu cả năm 2023 gấp 20 lần so cùng kỳ năm trước. Trong tháng 12/2023, doanh thu bình quân của cửa hàng chuẩn đạt 4,5 tỷ đồng và của cửa hàng mini là 2,5 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2023, MWG vận hành 38 cửa hàng Erablue, tăng so 5 cửa hàng tại cuối năm 2022…
Nhìn lại năm 2023, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, Nguyễn Đức Tài cho biết, đây có thể được xem là một trong những năm khốc liệt nhất trong lịch sử hoạt động của MWG. Công ty đã buộc phải thay đổi chiến lược - sang hướng ưu tiên giữ chân khách hàng để duy trì doanh thu và nỗ lực tăng trưởng thị phần, chấp nhận đánh đổi mục tiêu lợi nhuận.
Mặc dù lợi nhuận năm 2023 xuống thấp nhất trong vòng 10 năm, các thương hiệu của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG - bao gồm Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh) vẫn khẳng định sức mạnh trên thị trường bán lẻ.
Đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam Decision Lab, mới đây, đã công bố bảng xếp hạng (BXH) các thương hiệu bán lẻ tốt nhất năm 2024, bao gồm danh sách những doanh nghiệp có sức khỏe thương hiệu tốt nhất và những thương hiệu có sự cải thiện nhiều nhất trong năm qua.
Thế Giới Di Động thu hút lượng lớn lao động trẻ nhờ môi trường làm việc hiện đại, cùng các chế độ lao động hợp lý
Các thương hiệu được xếp hạng theo chỉ số Index của công cụ YouGov BrandIndex. Chỉ số này, đánh giá sức khỏe thương hiệu tổng quát, dựa trên điểm trung bình của các yếu tố như Ấn tượng, Chất lượng, Giá trị, Sự hài lòng, Khuyến nghị và Uy tín.
Top 3 trong BXH các thương hiệu bán lẻ tốt nhất, đều thuộc ngành hàng điện tử. Dẫn đầu với số điểm 32 là Thế Giới Di Động - chuỗi bán lẻ điện thoại và thiết bị số. Cũng từ Tập đoàn Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh - chuỗi bán lẻ thiết bị điện gia dụng, giữ vị trí á quân với 28,1 điểm. FPT Shop đã cải thiện xếp hạng của mình lên 2 vị trí và hiện tại đứng thứ ba.
Trong khi các chuỗi siêu thị và cửa hàng tạp hóa, ghi nhận sự sụt giảm trong chỉ số Index, thì chuỗi bán lẻ thực phẩm của MWG là Bách hóa Xanh lại tăng mạnh, nhảy lên 2 bậc và đứng thứ 5.
Pharmacity giữ vững vị trí thứ 6 với số điểm 17,9. Các thương hiệu khác trong top 10, bao gồm WinMart (thứ 7), Saigon Co.op (thứ 8), Nguyễn Kim (thứ 9) và Viettel Store (thứ 10).
Bên cạnh đó, Decision Lab còn công bố top 5 thương hiệu có sự cải thiện lớn nhất trong điểm số. Có 3/5 thương hiệu này, cũng góp mặt Top 10 thương hiệu có điểm số cao nhất.
Điện máy Xanh là chuỗi bán lẻ các sản phẩm điện tử tiêu dùng (điện tử, điện lạnh và gia dụng) có thị phần số 1 Việt Nam với hơn 1.900 cửa hàng hiện diện tại 63 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam
Bách hóa Xanh dẫn đầu BXH với mức tăng ấn tượng 4,9 điểm. Các thương hiệu khác chứng kiến sự tăng nhẹ về điểm số. Điện máy Xanh và Pharmacity lần lượt đứng thứ hai và thứ ba.
Chuỗi bán lẻ sản phẩm sắc đẹp và chăm sóc sức khỏe Guardian tăng 0,4 điểm và đứng ở vị trí thứ 4. Con Cưng, chuỗi bán lẻ sản phẩm cho bà mẹ và trẻ em, là cái tên cuối cùng trong top 5 nhờ tăng thêm 0,3 điểm.
Nhìn vào cả 2 BXH của Decision Lab, có thể thấy, MWG vẫn khẳng định được sức mạnh thương hiệu trên thị trường bán lẻ, bất chấp kết quả kinh doanh ảm đạm năm ngoái.
Nhìn lại năm 2023, Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài nhìn nhận, đây có thể được xem là một trong những năm khốc liệt nhất trong lịch sử hoạt động của MWG. Công ty đã buộc phải thay đổi chiến lược sang hướng ưu tiên giữ chân khách hàng để duy trì doanh thu và nỗ lực tăng trưởng thị phần, chấp nhận đánh đổi mục tiêu lợi nhuận.
MWG đang trong chu kỳ hồi phục mạnh mẽ, dựa trên nền so sánh thấp của năm 2023, cũng như các mảng kinh doanh của công ty đang dần bước vào giai đoạn tối ưu.
Giá cổ phiếu trên sàn phản ánh khá rõ sự chuyển biến này. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng vị thế đối với cổ phiếu MWG ở vùng giá quanh 60.000 đồng/cổ phiếu, nhằm hướng đến mục tiêu đầu tư trung và dài hạn…
Quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu
Chia sẻ của ban lãnh đạo Thế giới Di động, nhu cầu mua sắm tiêu dùng năm 2024, nhìn chung đi ngang, thậm chí có thể giảm so 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Tuy nhiên, sau cuộc tái cấu trúc toàn diện (bắt đầu từ quý IV)/2023) và lợi thế tài chính lành mạnh, công ty có dư địa để tiếp tục củng cố doanh thu và cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo đó, doanh thu quý I/2024 của MWG đạt 31,500 tỷ đồng (+17% YoY). Với những chính sách tái cấu trúc, MWG đã tiết giảm được nhiều chi phí, Nhìn chung, lợi nhuận khả quan so cùng kỳ năm trước.
Về việc mua lại cổ phiếu quỹ, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho rằng, đây là hoạt động nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, tăng giá trị cho cổ đông, chứ không phải đẩy giá cổ phiếu, giá có biến động thì vẫn thực hiện.
Về việc cổ phiếu bị loại khỏi Quỹ ETF, theo ông Tài - đó là chiến lược các quỹ khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không tốt. Khi MWG hồi phục kinh doanh trở lại, thì các quỹ sẽ đưa MWG trở lại.
Nhân viên Thế Giới Di Động có cơ hội thăng tiến chỉ sau 4 tháng làm việc
Liên quan tái cấu trúc, sau khoảng thời gian đóng cửa nhiều cửa hàng và tái cấu trúc bộ máy, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài khẳng định, MWG đã - đang và sẽ tập trung tái cấu trúc toàn diện, theo hướng giảm lượng tăng chất. Quá trình tái cấu trúc, không phải làm 1 lần, mà cứ định kỳ 6 tháng – 1 năm 1 lần. Quá trình này, sẽ được lặp lại nhằm tinh gọn bộ máy, hướng đến hoạt động hiệu quả.
Theo lãnh đạo MWG, động lực tăng trưởng chính, đến từ ngành hàng điện máy với mức tăng doanh thu 2 chữ số, nổi bật là sản phẩm máy lạnh khi tăng khoảng 50% so cùng kỳ 2023.
Biên lãi gộp 2 chuỗi TGDĐ/ĐMX đều ghi nhận sự cải thiện khả quan trong quý I/2024, do ngành hàng điện máy gia tang, đóng góp trong tổng doanh thu, trong khi đây là nhóm sản phẩm có biên lợi nhuận ổn định.
Với Bách hóa Xanh, doanh thu quý I đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng 44% so cùng kỳ 2023. Doanh thu bình quân đạt 1,8 tỷ đồng/cửa hàng/tháng với động lực tăng trưởng doanh thu đến từ cả 2 ngành hàng thực phẩm tươi sống và FMCGs, tiếp tục duy trì hòa vốn, sau mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại. Số lượt giao dịch trung bình đạt khoảng 500 hóa đơn/cửa hàng/ngày, tăng trưởng 40% và giá trị trung bình/hóa đơn tăng nhẹ so cùng kỳ.
Thế Giới Di Động – sự khác biệt đến từ những “điểm chạm”…
Ngoài ra, MWG cho thấy tiềm lực tài chính vững vàng. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Thế Giới Di Động ghi nhận khoản đầu tư khác hơn 7.000 tỷ đồng - là các khoản trái phiếu nắm giữ và đầu tư khác có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm và hưởng lãi suất áp dụng.
Bên cạnh đó, lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) ghi nhận 23.200 tỷ đồng. Ước tính, bình quân mỗi ngày trong quý đầu năm, Thế Giới Di Động thu về gần 6 tỷ lãi tiền gửi và lãi trái phiếu.
Mặt khác, Thế Giới Di Động còn tranh thủ trả bớt gần 1.500 tỷ đồng nợ vay tài chính trong quý đầu năm, đưa chi phí lãi vay quý I giảm gần 10% so cùng kỳ 2023.
Trên thị trường, cổ phiếu MWG phản ứng nhanh với luồng thông tin tích cực.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho biết, doanh nghiệp đã sẵn sàng đối phó với những biến động thị trường, có dư địa và có quyết tâm lớn nhằm hiện thực hóa mục tiêu. Thực tế, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở, bởi sau quý đầu năm, đã thực hiện hơn 25% kế hoạch doanh thu và gần 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Năm 2024, MWG đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và gấp 14 lần so cùng kỳ năm trước.
Trong cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư gần đây, Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài cho biết, kế hoạch mang về 2.400 tỷ đồng lợi nhuận, không phải con số cao…
Nhà bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia?
MWG có kế hoạch, trong năm nay, mở rộng số lượng cửa hàng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và thị phần, qua đó trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia.
Thông tin bước đầu, chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ các thiết bị điện tử tiêu dùng (EraBlue) có 55 điểm bán tại Indonesia, đồng thời đang tích cực thử nghiệm triển khai mô hình kinh doanh supermini với diện tích 180 – 200 m2.
Theo đó, mỗi cửa hàng Erablue với diện tích khoảng 300 m2, có doanh thu bình quân 4,5 tỷ đồng/cửa hàng/tháng; cửa hàng 180 m2, có doanh thu mỗi tháng là 2,5 tỷ đồng/cửa hàng. Hiện chuỗi này đã đạt mốc hòa vốn ở cấp độ cửa hàng. Dự kiến, trong năm nay, chuỗi sẽ nâng số lượng cửa hàng lên không quá 100 điểm và hòa vốn ở cấp độ công ty.
Sau sự thất bại của chuỗi Bluetronics tại Campuchia, ban lãnh đạo MWG kỳ vọng, chuỗi điện máy tại Indonesia sẽ sớm “mang tiền về cho mẹ”.
Tại cuộc họp nhà đầu tư vừa qua, thành viên HĐQT MWG Đoàn Văn Hiểu Em đã có những chia sẻ về khoản lỗ hơn 20 tỷ đồng (quý I/2024) từ công ty liên doanh PT Era Blu Elektronik (EraBlue) - đơn vị vận hành chuỗi điện máy tại Indonesia.
Theo ông Hiểu Em, mức lỗ này nằm trong kế hoạch và dự kiến, EraBlue sẽ đạt được điểm hòa vốn, thậm chí có lãi từ quý IV/2024.
Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài cũng chia sẻ:
“Chuỗi EraBlue đang vượt trên mong đợi của cá nhân tôi. Indonesia là thị trường có những khó khăn riêng; song Ban lãnh đạo và nhân sự phụ trách EraBlue đã làm tốt. Tôi kỳ vọng, trễ nhất trong quý IV, sẽ đạt được điểm hòa vốn. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của chuỗi điện máy này trong năm nay”.
EraBlue là thử nghiệm mới, tại thị trường nước ngoài của MWG từ cuối năm 2022 với số vốn ban đầu 181 tỷ đồng để nắm giữ 45% cổ phần. Đây là liên doanh giữa MWG và Công ty PT Erafone Artha Retailindo (Erafone) - công ty con của Tập đoàn Erajaya, nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ số 1 tại Indonesia. EraBlue được xây dựng theo dạng chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ các thiết bị điện tử tiêu dùng tại Indonesia, giống như mô hình Điện máy Xanh tại Việt Nam.
Mô hình mà công ty đang triển khai tại Indonesia - là sự thay thế hoàn hảo cho mô hình cửa hàng truyền thống tại nước này. Tuy nhiên lần này, Thế Giới Di động không vội “xưng tên vỗ ngực” mà tìm đối tác rất hiểu thị trường - một chuỗi bán điện thoại lớn.
“Với những gì đang diễn ra, chúng tôi tin tưởng, Erablue sẽ sớm đạt được mục tiêu như đã dự định. Dư địa để Erablue phát triển còn rất lớn. Sau khi hòa vốn ở cấp độ công ty, chúng tôi sẽ tăng tốc mở rộng, tiến tới mục tiêu 2027, đạt 500 cửa hàng”, CEO Thegioididong.com nhấn mạnh.
Một cửa hàng Thegioididong
Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết, cộng các đối thủ cạnh tranh hiện tại của Erablue chỉ khoảng 60 cửa hàng. Erablue đang chiếm thị phần lớn nhất về cả số lượng cửa hàng, lẫn doanh thu, nếu so 1:1 với nhau.
Nói về lợi thế của EraBlue Electronic tại thị trường Indonesia, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, thị trường này vẫn còn sơ khai; dịch vụ giao hàng và lắp đặt tại Indonesia chưa thực sự tốt, chưa hiệu quả. Đây cũng chính là lợi thế và sự khác biệt của MWG tại Indonesia.
“Đợt này, mình khôn hơn một chút, mình không vỗ ngực xưng tên như trước, thay vào đó là tìm một đối tác hiểu về thị trường tại Indonesia. Những thứ mình yếu kém, họ lại mạnh mẽ và ngược lại. Điều này, tạo nên lợi thế rất lớn của Erablue”, ông Tài nhấn mạnh.
Chủ động nâng cao chất lượng phục vụ
Hiện tại, MWG là nhà bán lẻ duy nhất, sở hữu hệ sinh thái khép kín, bao gồm các hệ thống cửa hàng - là các điểm trưng bày hàng hóa và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực tế, được tư vấn sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ cho khách hàng.
Song song với đó là các kênh riêng về thương mại điện tử, cùng với hệ thống kho vận, dịch vụ giao hàng, lắp đặt và hậu mãi tự xây dựng, phát triển nội bộ. Điều này, giúp MWG có khả năng chủ động kiểm soát được hoạt động vận hành, không bị lệ thuộc vào đối tác bên ngoài để đảm bảo chất lượng phục vụ ở tất cả các điểm tiếp xúc với khách hàng, đồng thời mở cơ hội tăng trưởng mảng online rất lớn, nhờ tận dụng mô hình đa kênh (Omni-channel).
Nhân viên Điện máy Xanh tất bật phục vụ khách trong một dịp khai trương siêu thị (Ảnh: Hải Đăng)
MWG sẽ đặt mục tiêu và xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng chuỗi phù hợp với giai đoạn tương ứng trong vòng đời và tiềm năng thị trường mà chuỗi đó đang kinh doanh.
Công ty cũng thực hiện tái cấu trúc toàn diện theo hướng “giảm lượng, tăng chất” để tăng cường sức mạnh nội tại, sẵn sàng bứt phá cho giai đoạn tăng trưởng bền vững.
MWG tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, thông qua tăng năng suất nhân viên, đầu tư hàng hóa đa dạng, triển khai các chương trình khuyến mãi; tinh gọn cơ cấu nhân sự.
MWG nhấn mạnh định hướng xuyên suốt và nhất quán trong quá trình tái cấu trúc toàn diện là làm đơn giản, gọn nhẹ và hiệu quả mọi hoạt động của đơn vị, xử lý triệt để mọi thứ kém hiệu quả (bao gồm điểm bán hàng, các khoản đầu tư, các dự án, nhân sự...).
Tiềm năng tăng trưởng, theo MWG, đến từ việc tỷ lệ đô thị hóa và thu nhập bình quân đầu người, dự kiến sẽ tiếp tục tăng, qua đó trở thành động lực gia tăng giá trị thị trường bán lẻ ở Việt Nam, nhất là các phân khúc trung và cao cấp. Việc các hãng điện thoại lớn không ngừng cải tiến và liên tục ra mắt các sản phẩm mới với nhiều phân khúc đa dạng, ứng dụng mạng 5G và gỡ sóng 2G, cũng sẽ kích thích nhu cầu thay mới điện thoại trong thời gian tới.
Đặc biệt, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện máy hiện đại với nhiều tính năng thông minh và tự động, có xu hướng ngày càng tăng cao, giúp kích thích nhu cầu thay thế sản phẩm. Có thể thấy, mảng điện tử của MWG có thể hưởng lợi từ xu thế này.
Mô hình nhân viên bán hàng kiêm trả góp - hứa hẹn mang đến nhiều khuyến mãi cho khách hàng
Chuỗi Bách hóa Xanh được kỳ vọng, sẽ tạo ra lợi nhuận ở cấp độ công ty, tính chung cả năm 2024.
Đối với các chuỗi kinh doanh hiện tại, các điểm bán không mang lại hiệu quả sẽ bị cắt giảm; nâng cao năng suất nhân viên nhằm tăng chất lượng phục vụ; đầu tư hàng hóa đa dạng và triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn; các hoạt động không thực sự cần thiết, sẽ bị loại bỏ, chỉ giữ lại những gì tạo ra giá trị gia tăng cho công ty.
Theo đó, 2 chuỗi bán lẻ điện máy Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone) và Điện máy Xanh - sẽ là trụ cột kinh doanh, mục tiêu đóng góp khoảng 65% tổng doanh thu và mang lại lợi nhuận chính cho Thế Giới Di động, trong năm 2024.
Ban lãnh đạo Thế Giới Di động cho biết, sẽ nỗ lực tối ưu mạng lưới cửa hàng, gia tăng thị phần ở những ngành hàng/nhãn hàng còn tiềm năng nhằm cải thiện hiệu suất kinh doanh và lợi nhuận tuyệt đối của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh.
Đối với chuỗi Bách Hóa Xanh, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 30% tổng doanh thu và tăng trưởng doanh thu 2 chữ số, gia tăng thị phần và bắt đầu mang lại lợi nhuận cho Thế Giới Di Động từ năm 2024.
Với mục tiêu cải thiện hiệu suất kinh doanh và lợi nhuận tuyệt đối, MWG dự kiến duy trì tổng doanh thu bằng việc tối ưu mạng lưới cửa hàng, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ để tăng trưởng doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu; khai thác cơ hội và gia tăng thị phần ở những ngành hàng, phân khúc còn tiềm năng.
Bách hóa Xanh tập trung vào tăng trưởng doanh thu trung bình cửa hàng, mở mới 100 cửa hàng (cuối năm nay, dự kiến sẽ cân nhắc đến kế hoạch mở rộng tại miền Bắc và miền Trung).
Một cửa hàng Erablue vừa khai trương tại Indonesia (Ảnh: Facebook Đoàn Văn Hiểu Em)
Đồng thời, Bách hóa Xanh sẽ duy trì tăng trưởng doanh thu từ cửa hàng cũ bằng việc nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với ngành hàng thực phẩm tươi sống, cũng như khai thác các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng FMCGs.
Nhà thuốc An Khang: MWG đặt mục tiêu gia tăng thị phần của An Khang và đạt điểm hòa vốn trước khi kết thúc năm 2024.
MWG kỳ vọng năm 2024, An Khang có thể bước vào giai đoạn vận hành ổn định, hiệu quả và xây dựng mô hình kinh doanh thành công.
MWG cũng dự kiến, sẽ đầu tư chiều sâu để An Khang trở thành chuỗi dược phẩm hàng đầu về chăm sóc sức khỏe với việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đảm bảo đủ thuốc, nâng cao chất lượng đội ngũ dược sỹ và áp dụng công nghệ để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Đối với chuỗi cửa hàng chuyên bán các sản phẩm dành cho mẹ và bé (Avakids): MWG đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số và đạt điểm hòa vốn trong năm 2024. MWG không chú trọng mở rộng điểm bán đối với chuỗi này, mà chỉ tập trung nguồn lực để đẩy mạnh kênh bán hàng online…
Chuỗi điện máy của MWG tại Indonesia
Trong báo cáo thường niên mới công bố, MWG đã hé lộ chiến lược trung và dài hạn - với mục tiêu tới năm 2030, sẽ trở thành tập đoàn số 1 Đông Nam Á về bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ liên quan;được khách hàng tin yêu bởi sự phục vụ tận tâm và sản phẩm – dịch vụ vượt trội, mang lại cho nhân viên sự tử tế, niềm vui, sung túc cũng như đóng góp to lớn vào trách nhiệm xã hội…
Bài sau: MSB - giải pháp số cho doanh nghiệp
Đường link: https://profit500.vn/Charts/Index?chartId=13 (Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam)
Thủy Hương