Bài 2: Đồng Nai - những kết quả ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới
Năm 2024, Đồng Nai tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là giữ vị trí tốp đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu khi vượt mục tiêu đề ra, cả về số xã, cũng như huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025…

Năm 2024, Đồng Nai tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới
Dấu ấn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Năm 2024, các địa phương của tỉnh Đồng Nai phải đối mặt với không ít thách thức trong xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nói riêng, vì các bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2021 - 2025, có nhiều chỉ tiêu tăng thêm với yêu cầu cao hơn.
Trong khi đó, những xã được chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong năm nay đều là những địa phương còn nhiều khó khăn, có điểm xuất phát thấp hơn so với những địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trước đó. Đặc biệt, những huyện vùng sâu, miền núi, càng gặp khó khăn, do có địa bàn rộng, cần nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng nông thôn, cũng như trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí khác.
Kết quả năm 2024, toàn tỉnh có thêm 7 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu và nhiều xã đang chờ thẩm định, công nhận, vượt xa chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Ngoài ra, 2 huyện Định Quán, Thống Nhất, hiện có nhiều tiêu chí đạt và được Hội đồng Thẩm định Trung ương đánh giá sơ bộ, đang hoàn thiện hồ sơ chứng minh để đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Đối với huyện nông thôn mới kiểu mẫu, Xuân Lộc hiện đã đạt tất cả các nhóm mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án Xây dựng huyện Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2018 - 2025, sớm hơn 1 năm so mục tiêu đề án đặt ra.
Hiện Xuân Lộc đã có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và một đô thị văn minh. Đặc biệt, nhiều xã vùng sâu khó khăn, đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu với kết quả ấn tượng.
Năm 2024, huyện Tân Phú có nhiều bứt phá trong xây dựng nông thôn mới khi có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phú Lâm tuy là xã của huyện miền núi, nhưng lại phát triển khá đồng bộ các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt mức cao 9,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 110 triệu đồng/năm, mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn cao nhất tỉnh.
Ấn tượng hơn nữa đó là nhiều xã vùng sâu như Xuân Thành, Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) lại chọn làm kiểu mẫu về chuyển đổi số gắn với mục tiêu hình thành những vùng quê thông minh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Tọa lạc tại vị trí chiến lược trong vùng Đông Nam Bộ, Đồng Nai đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm kết nối giao thông, kinh tế và văn hóa của khu vực, với các dự án hạ tầng tầm cỡ
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) Lê Văn Gọi cho biết, nhiều xã vùng sâu tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế nông thôn. Tại các xã thí điểm nông thôn thông minh, đã tiên phong triển khai sử dụng đầy đủ các phần mềm liên thông từ Trung ương, tỉnh, huyện đến xã; triển khai hệ thống cổng dịch vụ công và một cửa điện tử... nhằm đẩy mạnh xây dựng chính quyền số.
Từ khi thực hiện chuyển đổi số, quy trình tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính được chuyển đổi dần theo phương thức trực tuyến. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Người dân được hưởng lợi từ Chương trình
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về số xã nông thôn mới kiểu mẫu, thứ 2 cả nước về số xã nông thôn mới nâng cao, trong đó, Xuân Lộc là huyện thứ 3 cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Đồng Nai
Huyện Xuân Lộc, đã đạt tất cả các nhóm mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018 - 2025”, sớm hơn 1 năm so mục tiêu đề án đặt ra.
Trong 4 huyện được chọn làm kiểu mẫu của cả nước, đến nay, chỉ duy nhất huyện Xuân Lộc cơ bản đã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu.
Đạt được kết quả trên - là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của các địa phương. Các xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đa số là các xã có điểm xuất phát thấp, gặp nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, so với những địa phương đã hoàn thành trước đó.
Đặc biệt, những huyện vùng sâu, miền núi, càng gặp khó khăn do có địa bàn rộng, cần nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng nông thôn. Trong khi đó, địa phương này, mật độ dân cư thưa thớt, khiến mức đóng góp trên mỗi hộ dân khá cao, trong khi thu nhập của người dân thấp hơn so bình quân chung của cả tỉnh.

Xuân Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai, là huyện thứ 3 của cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn nâng cao năm 2023
Điều ấn tượng đó là tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong năm 2024, thu nhập bình quân của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao; không có địa phương nào có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều xã vùng sâu khó khăn, về đích nông thôn mới kiểu mẫu với kết quả ấn tượng.
Cụ thể năm 2023, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn, trên địa bàn tỉnh đạt 68 triệu đồng/năm. Đến năm 2024, thu nhập bình quân của người dân nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đều đạt gần 90 triệu đồng/năm, thậm chí có xã vượt qua con số 100 triệu đồng/người/năm.
Tiêu biểu nhất như xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) có lợi thế phát triển đồng bộ giữa sản xuất nông nghiệp với các ngành thương mại, dịch vụ…Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã đạt cao với mức tăng trưởng 9,2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã, hiện đạt 110 triệu đồng/người/năm.

Đường giao thông xanh sạch đẹp về xã nông thôn mới kiểu mẫu Xuân Trường, huyện Xuân Lộc
Các địa phương về đích nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh, trong năm 2024, đều chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững.
Tiêu biểu, huyện Cẩm Mỹ đã xây dựng và hình thành 4 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, huyện đang nhân rộng hàng chục hécta các mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Lâm San; mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Sông Ray và mô hình sản xuất sầu riêng hữu cơ tại thị trấn Long Giao...
Toàn huyện có khoảng 270 hộ dân với diện tích trên 300 hécta áp dụng giải pháp sử dụng men vi sinh IMO tự sản xuất phân bón hữu cơ, để sản xuất theo hướng hữu cơ với chi phí thấp.
Nhiều cách làm hay và sáng tạo
Với tinh thần lao động cần cù và quyết tâm xây dựng quê hương, nông dân tỉnh Đồng Nai từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Lâm San - xã vùng sâu, vùng xa về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Cách đây 10 năm, Lâm San là xã đặc biệt khó khăn với trên 600 hộ nghèo, chiếm tỷ kệ 40% tổng số hộ trong xã.
Doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao chuyển hướng nông nghiệp theo hướng hữu cơ và đầu tư công nghiệp chế biến nông sản.
Đến nay, toàn tỉnh có 321 vùng sản xuất tập trung, quy mô gần 95,7 ngàn hécta. Trong đó, có 10 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn gần 11,9 ngàn hécta và 8 vùng đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô 4,4 ngàn hécta. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao đạt gần 46,3%, giá trị ước đạt trên 34,7 ngàn tỷ đồng, bằng gần 92,6% mục tiêu đến năm 2025, cao hơn so kế hoạch đề ra.
Toàn tỉnh hiện có 282 sản phẩm OCOP (Chương trình OCOP “mỗi xã một sản phẩm”) của 165 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Kết quả này, đã đưa Đồng Nai vươn lên - đứng đầu về số sản phẩm OCOP trong khu vực Đông Nam Bộ.
Công nghiệp chế biến sâu nông sản trên địa bàn tỉnh, tiếp tục tập trung vào một số ngành hàng có thế mạnh như thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, cà phê, hạt điều, rau củ quả, lâm sản… với gần 1,8 ngàn doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông lâm thủy sản.

Tuyến đường hoa giấy ở huyện Vĩnh Cửu
Xuyên suốt quá trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn xác định vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, thường xuyên và cấp bách. Trước khi có chương trình “tam nông” (từ đầu năm 2007), Tỉnh ủy đã quyết định chủ trương về xây dựng nông thôn “4 có”: Có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững.
Trong đó, mục tiêu cuối cùng là phát triển sản xuất nông nghiệp và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Đây là cơ sở để Đồng Nai đẩy mạnh phát triển và trở thành địa phương tốp đầu của cả nước trong phát triển tam nông và xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; toàn tỉnh có 3 huyện nông thôn mới nâng cao, 3 huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.

Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Thống Nhất
Làm việc với lãnh đạo Đồng Nai về kết quả xây dựng nông thôn mới cuối năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Thanh Nam đánh giá, trong 4 huyện của cả nước được chọn xây dựng điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu, Xuân Lộc là địa phương đầu tiên cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Điều rất hoan nghênh là Xuân Lộc thực hiện song song 2 mục tiêu, vừa tập trung vào mục tiêu chính phát triển sản xuất hàng hóa chuyên sâu bền vững, vừa làm kiểu mẫu về các mô hình khác. Điều này, rất đáng quý, là bài học giá trị cho Trung ương có thêm kinh nghiệm trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu thời gian tới.
Dẫu là tỉnh công nghiệp, nhưng Đồng Nai có quyết tâm rất cao và có những chỉ đạo rất quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, do đó, đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng. Tỉnh Đồng Nai đang đứng thứ 2 cả nước về số xã nông thôn mới nâng cao. Tỉnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Có thể nói, đạt được kết quả trên đó là nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh trong xây dựng nông thôn mới.

Người dân xã Phú Hòa - xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Định Quán sửa sang, trồng lại hoa bên đường
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao
Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 5 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Như vậy, trong năm 2025, nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh hết sức nặng nề.
Trong đó, có nhiều địa phương cần phải nỗ lực hơn để hoàn thành mục tiêu UBND tỉnh giao trong xây dựng nông thôn mới nâng cao đến năm 2025.
Huyện Trảng Bom là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao đến năm 2025. Mục tiêu huyện Trảng Bom đang nỗ lực phấn đấu là đến năm 2025, 100% xã đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nhưng đến nay, huyện mới có 12/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là thách thức không nhỏ đối với địa phương trong hoàn thành mục tiêu đề ra.

Nông dân trồng ổi sạch cho thu nhập cao
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, Đỗ Ngọc Nam cho biết, địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vì vừa phấn đấu đô thị hóa, vừa thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, khó khăn không nhỏ của địa phương là về đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là các tiêu chí đường giao thông, trường học...
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 414/KH-UBND thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2025, trên địa bàn Đồng Nai. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025: Toàn tỉnh có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu không bị thu hồi quyết định công nhận. Trong năm 2025, toàn tỉnh có thêm 3 huyện hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Moi trường công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch đó là có quy định cụ thể về các chỉ tiêu, tiêu chí, cũng như các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ngành, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện để đạt các mục tiêu về xã, huyện nông thôn mới nâng cao đến năm 2025.

Đặc sản rượu bưởi - Khu du lịch sinh thái làng bưởi Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu, được chăm chút từ khâu bao bì đến chất lượng sản phẩm (Ảnh: V.C)
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu triển khai, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đúng tiến độ, hiệu quả và trở thành phong trào thi đua sâu rộng của các địa phương và cộng đồng dân cư; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, hoàn thành các mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2025.
Các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở, phải chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và triển khai, thực hiện đạt mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2025.
Nội dung kế hoạch, phải bám sát mục tiêu chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và cụ thể hóa các nhiệm vụ với lộ trình thời gian phù hợp với tình hình thực tế của từng ngành, địa phương, đơn vị.

Khách đến vui chơi, thưởng thức đặc sản trái cây tại nhà vườn xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh
Mục tiêu đặt ra trong năm 2025, toàn tỉnh có 10 xã còn lại phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao. Đến nay, có 9 xã đã trình hồ sơ đề nghị công nhận nông thôn mới nâng cao. UBND các huyện Định Quán, Xuân Lộc, Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Tân Phú, Vĩnh Cửu đã trình hồ sơ đề nghị công nhận 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ba huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Tân Phú đang nỗ lực hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí còn vướng; hoàn thiện hồ sơ chứng minh đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025…
Bài sau: Hà Nam đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Thủy Hương