UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Chính phủ và các Ban, bộ ngành Trung ương về tình hình thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Kết quả thống kê cho thấy, lượng nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cấp thiết của người dân tại địa bàn.
UBND TP cho biết kết quả thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội (NOXH) cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu về loại hình nhà ở này trên địa bàn. Do đó, UBND TP kiến nghị Trung ương ưu tiên sử dụng quỹ đất công để xây NOXH.
Mô hình nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương đang được phát triển mạnh mẽ
Quỹ đất công này gồm đất do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp do các cơ quan Nhà nước quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Thành phố kiến nghị dùng vốn ngân sách thu được từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây NOXH.
Qua đó, phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền, để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội sử dụng vốn ngân sách, bổ sung cho quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM để đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố và giải quyết cho các hộ gia đình chính sách vay mua nhà ở xã hội.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM được đề nghị nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc ưu tiên bố trí vốn để thực hiện chính sách NOXH theo Luật Nhà ở năm 2014, để cho các doanh nghiệp vay đầu tư phát triển loại hình nhà ở này cũng như người dân có thể vay vốn tạo lập nhà ở. Trung ương bố trí vốn ngân sách để Ngân hàng triển khai cấp bù lãi suất.
Thành phố cũng kiến nghị Trung ương hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, thủ tục đầu tư... để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng NOXH cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với yêu cầu sinh sống của công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị...
Bên cạnh đó, kiến nghị cũng đưa ra các ý kiến quan điểm về việc triển khai các cơ chế chính sách về phát triển, quản lý nhà ở xã hội của Trung ương, chính sách, quy định, biện pháp, kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng thương mại, các tổ chức cá nhân không được sử dụng nguồn vốn này sai mục đích… Ngoài ra, Thành phố cũng cho rằng Trung ương nên hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, thủ tục đầu tư... để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với yêu cầu sinh sống của công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị...
Trước đó, trong đầu tháng 9/2018, hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn hoả tốc số 110/CV-HoREA gửi uỷ ban Các vấn đề xã hội, Quốc hội khoá XIV và lãnh đạo TP.HCM về việc đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP.HCM.
Theo HoREA, đến năm 2020, nhu cầu của người dân TP HCM về nhà ở là 500.000 căn, trong đó với NOXH là 81.000 căn. Trong kế hoạch chung, TP HCM sẽ phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Đến năm 2020, 30.000 căn sẽ được hoàn thành, đưa vào sử dụng. TP HCM đánh giá kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về NOXH trên địa bàn. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước tại TP, thì đã có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ. HoREA dự báo nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, NOXH, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn TP.HCM trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn.
HoREA đề xuất với Thành phố cần đưa vào sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10ha trở lên để phát triển NOXH. Đồng thời, các chủ đầu tư phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha để đầu tư phát triển NOXH theo từng chương trình cụ thể.
HoREA đề xuất trước hết là sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất công của thành phố như đất nông trường (khoảng 6.000ha); đất đang làm nhà xưởng sản xuất ô nhiễm tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp; đất công được tạo lập trong quá trình quy hoạch các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất… để phát triển các dự án.
Hải Đăng