Tại buổi làm việc giữa Sở GTVT TPHCM với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải hôm 14-7, hai bên đã thảo luận và đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện hạn chế dần việc sử dụng xe cá nhân, tăng cường phát triển xe buýt.
Cụ thể, việc thực hiện được chia làm 2 giai đoạn với từng giải pháp cụ thể. Trong đó giai đoạn 2017- 2020, kiểm soát sử dụng xe cá nhân tham gia giao thông bao gồm lập đề án thu phí đối ô tô con, phí ô nhiễm môi trường, thống kê số lượng phương tiện xe máy. Giai đoạn 2020-2030, nghiên cứu kiểm định khí thải đối với xe máy chạy trên 5 năm và chu kỳ kiểm định lần kế tiếp là 2 năm sau đó.
Theo dự báo của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, đến năm 2020 xe cá nhân ở TPHCM vẫn chiếm trên 81% thị phần vận tải (vận tải công cộng chỉ chiếm khoảng 15-18%). Giai đoạn này cần nghiên cứu phân vùng lưu thông, thống kê số lượng và dự kiến đến năm 2030 (hoặc sau đó) sẽ ngưng toàn bộ xe máy đi vào một số khu vực trung tâm và nơi thường xảy ra ùn tắc...
Tại cuộc họp, một số chuyên gia cho rằng đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân là rất khả thi. Tuy nhiên đề án phải có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ và đưa ra các phương án thay thế xe cá nhân để thực hiện theo lộ trình.
Dự kiến năm 2020 sẽ thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM và có đưa ra 3 phương án :
Phương án 1, xây dựng mức phí 40.000 đồng áp dụng cho ô tô con, taxi, xe vận chuyển khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ.
Phương án 2, thu phí 40.000 đồng áp dụng cho ô tô con và taxi, 50.000 đồng cho xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định.
Phương án 3, mức phí 30.000 đồng cho taxi, 40.000 đồng cho ô tô con, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe khách du lịch.
Dự kiến năm 2020 sẽ thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM
Theo TS Phạm Sanh (giảng viên ĐH GTVT TP.HCM) chia sẻ, muốn biết hiệu quả của giải pháp thu phí ôtô vào nội đô thì phải phụ thuộc vào số lượng, thống kê phân loại các loại xe ra vào khu vực nội thành mỗi ngày. Khi đó TP mới xét đến mức thu, chứ nếu thu ít quá người ta vẫn sử dụng xe cá nhân.
Ông Sanh cũng đề cập thêm câu chuyện nếu không đi xe ôtô thì TP có phương tiện công cộng có đủ sức hút chưa? Vì nếu chi phí những phương tiện này cao hoặc không thu hút, người dân vẫn chấp nhận đóng phí để đi ôtô vào khu nội thành.
Về phía người dân và Doanh nghiệp, hầu hết người dân và doanh nghiệp đều không hài lòng trước dự án thu phí ôtô vào khu vực nội thành Sài Gòn. Người dân cho rằng hiện họ đang phải “gánh” rất nhiều loại phí nên việc phải đóng thêm khoản phí ra vào nội thành này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh doanh.
Anh Lê Văn Đáng (quận 1, TP.HCM) cho biết, gia đình anh đang kinh doanh mặt hàng ăn uống, cần phải đi lại nhiều, nếu thu thêm phí ô tô sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động kinh doanh của gia đình anh.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhận định, đây là đề án thu phí chống ùn tắc vào nội đô thành phố, không phải thu phí bảo trì đường bộ. Mục tiêu dự án không phải để kinh doanh thu tiền người dân mà nhằm giảm ùn tắc giao thông. “Đề án thu phí ùn tắc vào nội đô khi triển khai, người dân cần chấp nhận luật chơi, cân nhắc trước khi đi phương tiện vào trung tâm hoặc chọn phương tiện khác”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, về mặt pháp lý việc thu phí chống ùn tắc chưa có trong quy định. Tuy nhiên, thành phố đã có kiến nghị TW cho phép áp dụng quy chế đặc thù được triển khai áp dụng việc thu phí này. Kinh phí từ thu phí sẽ do thành phố quản lý.
Ngọc Linh