Nhà máy được xây dựng tại huyện Củ Chi, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Công trình do Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy làm chủ đầu tư sau khi họ mua lại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa.

Phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Củ Chi
Phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Củ Chi

Giai đoạn đầu, công trình gồm một tổ hợp các hạng mục như: lò đốt phát điện rác, nhà điều hành, khu vực nhà ăn, nghỉ của nhân viên... Nhà máy áp dụng công nghệ được đánh giá hiện đại, rác sau khi đốt sẽ giảm phần lớn thể tích và khối lượng. Nhiệt lượng tạo ra từ quá trình đốt sẽ trở thành điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt rác cũng có thể sản xuất làm vật liệu xây dựng.

Chủ đầu tư cho biết lượng nước thải phát sinh trong quá trình nhà máy vận hành sẽ được thu gom, xử lý khép kín và tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc phía trong. Khí thải và tro tàn sản sinh trong quá trình đốt rác cũng được xử lý, không gây mùi hôi, ô nhiễm không khí.

Trong các giai đoạn sau, nhà máy lần lượt nâng công suất đốt rác lên 6.000 và 8.600 tấn mỗi ngày, tương ứng với mức phát điện 130 và 200 MW.

Hiện mỗi ngày TP HCM phát sinh 9.800 tấn rác thải sinh hoạt, cao điểm lễ, Tết con số này lên đến 11.000 tấn. Trong đó, phần lớn rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế...Hiện thành phố kêu gọi đầu tư đối với 5 bãi chôn lấp ngưng hoạt động tại các địa điểm: Phước Hiệp, Gò Cát và Đông Thạnh

Thành phố xác định đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%, yêu cầu các nhà máy chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện. Dự kiến năng lượng thu được trong giai đoạn 2020-2021 là 98MW, đến 2025 là 138MW và đến 2030 có thể lên đến 198MW.

Lê Thanh (t/h)