Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Chuyện xử lý rác thải của Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar có phải là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"?

Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar mỗi ngày tồn lưu, không thể xử lý hết hàng trăm tấn rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp. Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu khắc phục tình trạng trên nhưng bà Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường vẫn "cho" rác về.

Mỗi ngày tới có hàng trăm tấn rác của hai “ông trùm” xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar tồn lưu, không thể xử lý hết, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm liền tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp thuộc xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. HCM. Vậy mà, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều phối khối lượng lớn chất thải rắn cho các công ty này xử lý.

Tổng cục Môi trường từng chỉ rõ nhiều sai phạm

Hai “ông trùm” rác chúng tôi muốn đề cập tới là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Công ty Tâm Sinh Nghĩa) và Công ty cổ phần Vietstar (Công ty Vietstar) với hệ thống xử lý rác đặt tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Phước Hiệp), xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. HCM gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến mạch nước ngầm, không khí và nguồn nước mặt.

Từ năm 2018, Tổng cục Môi trường (TCMT - thuộc Bộ Tài Nguyên và Mội Trường) đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Vietstar, có 02 kết luận (số 163 và 176/KL-TCMT ngày 17/05/2019) đối với hai công ty này.

Tổng cục Môi trường (TCMT - thuộc Bộ Tài Nguyên và Mội Trường)
Một phần Quyết định xử phạt Công ty cổ phần Vietstar của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: KT.

Đối với Công ty Vietstar, năm 2018, TCMT đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công ty theo kế hoạch và đã ban hành Kết luận số 163/KL-TCMT ngày 17/05/2019. Theo đó, công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải sinh hoạt thành phân vi sinh và sản xuất hạt nhựa tái chế từ chất thải rắn sinh hoạt thu gom trên địa bàn TP. HCM với công suất thiết kế là 1.400 tấn/ngày, tuy nhiên, thực tế công ty tiếp nhận 1.800 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế khoảng 28,5%).

Căn cứ kết quả thanh tra, TCMT đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-XPVPHC ngày 28/12/2018 xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, gồm: Tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước rỉ rác; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải đang lưu giữ tại 2 khu vực ngoài trời, thực hiện đúng các nội dung phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngày 29/07/2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 163/KL-TCMT ngày 17/5/2019 đối với công ty. Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty vẫn chưa thực hiện triệt để các yêu cầu tại kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, TCMT đã ban hành Quyết định số 46/QĐ-XPVPHC ngày 03/11/2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty.

Công ty Vietstar chứa hàng triệu tấn rác đầy kho phía sau không xử lý. Ảnh: VĐP.
Công ty Vietstar chứa hàng triệu tấn rác đầy kho phía sau không xử lý. Ảnh: VĐP.

Ngày 16/12/2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra hiện trường khu vực xử lý chất thải của công ty theo nội dung đơn phản ánh. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt công ty đang tiếp nhận của TP. HCM khoảng 2.000 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế của nhà máy là 1.400 tấn/ngày, lượng chất thải này được công ty đưa về phân loại làm phân bón và một phần đưa vào tái chế, phần chất thải trơ chuyển giao cho Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM để chôn lấp.

Tại khu vực ngoài trời, công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ ở 02 bãi lưu chứa có diện tích khoảng 32.000 m² với khối lượng khoảng 160.000 tấn, được che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, có nhiều khu vực không được phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời; nước rỉ rác từ 02 bãi được thu gom qua rãnh bao xung quanh khu vực bằng bạt HDPE nhưng có nhiều vị trí không được phủ kín nên nước rỉ rác không được thu gom triệt để và thấm trực tiếp vào môi trường đất.

Đối với Công ty Tâm Sinh Nghĩa, năm 2018, TCMT đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công ty theo kế hoạch và đã ban hành kết luận số 176/KL-TCMT ngày 17/05/2019.

Theo Kết luận này, công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn TPHCM với công suất thiết kế là 1.000 tấn/ngày, tuy nhiên, thực tế công ty tiếp nhận là 1.200 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế 20%). Căn cứ vào kết quả thanh tra, TCMT đã yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, gồm: Tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước rỉ rác; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; thu gom và xử lý toàn bộ lượng nước rỉ rác chảy vào hệ thống thu gom và thoát nước mưa; thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt để trên đường nội bộ, lưu giữ ngoài trời, được chất thành đống/bãi cạnh khu vực lò đốt; thực hiện đúng các nội dung phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngày 30/07/2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 176/KL-TCMT ngày 17/05/2019 đối với công ty. Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty vẫn chưa thực hiện triệt để các yêu cầu tại kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, TCMT đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-XPVPHC ngày 03/11/2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty.

Công ty Tâm Sinh Nghĩa chứa gần 2 triệu tấn rác không xử lý, đầy ngập các kho bãi phía sau nhà máy. Ảnh: VĐP.
Công ty Tâm Sinh Nghĩa chứa gần 2 triệu tấn rác không xử lý, đầy ngập các kho bãi phía sau nhà máy. Ảnh: VĐP.

Ngày 16/12/2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra hiện trường khu vực xử lý chất thải của công ty theo nội dung đơn phản ánh. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện nay, khối lượng chất thải sinh hoạt công ty đang tiếp nhận xử lý của TP. HCM khoảng 1.300 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế của nhà máy là 1.000 tấn/ngày, lượng rác này được công ty đưa về phân loại sau đó đưa vào lò đốt của công ty.

Tại khu vực ngoài trời, Công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ trên diện tích khoảng 63.750 m² với khối lượng khoảng 240.000 tấn, được che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, có nhiều khu vực không được che phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời, nước rỉ rác từ bãi được thu gom qua rãnh bao xung quanh khu vực bằng bạt HDPE, một số vị trí không được phủ kín nên nước rỉ rác không được thu gom triệt để và chảy trực tiếp vào môi trường đất và chảy ra hồ trong khuôn viên công ty, hồ này không lót đáy và không có trong hồ sơ công trình bảo vệ môi trường của công ty đã được phê duyệt; nước rỉ rác tại khu vực 03 lưu giữ chất thải trước khi đưa vào lò đốt được thu gom vào rãnh thu gom nước rỉ rác phía sau lò đốt và dẫn về trạm xử lý nước thải để xử lý, tuy nhiên rãnh này không được lót đáy chống thấm.

Rác bên trong nhà máy của Công ty Tâm Sinh Nghĩa. Ảnh: VĐP.
Rác bên trong nhà máy của Công ty Tâm Sinh Nghĩa. Ảnh: VĐP.

Như vậy, qua kết quả thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và kết quả kiểm tra trên hiện trường vào thời điểm hiện tại đối với 02 công ty nêu trên cho thấy, các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của 02 công ty kéo dài từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để; lượng chất thải rắn sinh hoạt 02 công ty tiếp nhận xử lý hàng ngày vẫn vượt công suất xử lý và qua thời gian dài dẫn đến việc tồn đọng với khối lượng lớn như hiện nay.

Bà Phó Giám đốc Sở bất tuân chỉ đạo của Phó Chủ tịch thành phố

Trước đó, ngày 13/01/2021 Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã ký văn bản (số 166/BTNMT-TCMT) gửi UBND TP. HCM khẳng định: Các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của hai công ty này kéo dài từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Lượng chất thải rắn sinh hoạt hai công ty tiếp nhận xử lý hàng ngày vẫn vượt công suất xử lý và qua thời gian dài dẫn đến việc tồn đọng với khối lượng lớn như hiện nay.

Nhà máy Vietstar chứa trên 1 triệu tấn rác phía sau nhà máy không xử lý. Ảnh: VĐP.
Nhà máy Vietstar chứa trên 1 triệu tấn rác phía sau nhà máy không xử lý. Ảnh: VĐP.

Hơn một tháng sau, ngày 03/02/2021, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hòa Bình ký văn bản (số 370/UBND-ĐT) gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo các hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt của thành phố đúng với công suất thiết kế và năng lực xử lý hiện tại; có biện pháp để xử lý và chuyển giao hết khối lượng chất thải tồn đọng (bao gồm chất thải trơ sau phân loại) cho đơn vị chức năng xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, mới đây, ngày 17/11/2021, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã bất chấp chỉ đạo của UBND TP. HCM, ký văn bản 7668/STNMT-CTR điều phối khối lượng chất thải rắn giai đoạn từ nay đến 31/12/2021 cho Công ty cổ phần Vietstar 1.800 tấn/ngày và Công ty Tâm Sinh Nghĩa 1.400 tấn/ngày, vượt rất nhiều so với công suất thiết kế và năng lực xử lý rác hiện tại của hai “ông trùm” rác.

Câu hỏi đặt ra là: Điều gì khiến lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM bất chấp chỉ đạo của UBND TP. HCM để tiếp tục dồn rác về cho Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa khi mà lượng rác tồn lưu lớn, và các đơn vị này không thể xử lý hết, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến dư luận nhân dân thành phố bức xúc như vậy?

Hoàng Dương

Bài liên quan

Tin mới

Bình Định: Phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 24%
Bình Định: Phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 24%

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2024 vẫn tăng 17,3%. Với kết quả trên, ngành Công Thương tỉnh xác định: Phấn đấu trong tháng 5/2024 sẽ đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 24%...

Quảng Ninh: Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 3 trong vụ lật thuyền trên sông Chanh
Quảng Ninh: Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 3 trong vụ lật thuyền trên sông Chanh

Vào khoảng 14h50’ ngày 26/4, tại khu vực sông Rừng, cách  Miếu Vua Bà (phường Yên Giang) khoảng 600 m đến 700 m, tổ công tác tìm kiếm của phường Nam Hòa, TX Quảng Yên, đã phát hiện, vớt được một thi thể nữ mặc áo mưa màu xanh, chân đeo ủng. Vị trí tìm thấy cách khoảng 10 km so với vị trí lật thuyền.

Khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2024
Khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2024

Chiều 26/4, tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra lễ khai mạc hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2024.

Quỹ Hy vọng tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ"
Quỹ Hy vọng tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ"

NDO - Tại Văn phòng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ Hy vọng, cùng ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam ký kết thỏa thuận tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ".

Trung tâm Văn hoá TP. Hải Phòng tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”
Trung tâm Văn hoá TP. Hải Phòng tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”

Ngày 26/4, Trung tâm Văn hóa TP. Hải Phòng tổ chức Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024).

Huế- Thành lập Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa
Huế- Thành lập Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa

Ngày 26/4, Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024- 2026, với 46 hội viên.