Tỉnh Bình Dương có lượng rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày khoảng 2,5 ngàn tấn. Toàn bộ rác được đưa về điểm duy nhất là Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương có diện tích 100 ha, tọa lạc tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Nhà máy được Công ty CP Tổng công ty Nước - môi trường Bình Dương (Biwase) làm chủ đầu tư với tổng công suất thiết kế xử lý các loại chất thải hơn 6,6 ngàn tấn/ngày, được xây dựng nhằm bảo đảm khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương, biến toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày thành nhiều sản phẩm khoa học, hữu ích gồm năng lượng tái tạo (điện), phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng, phù hợp với xu hướng "rác là tài nguyên" và kinh tế tuần hoàn hiện nay.

Trong đó, hạng mục rác sinh hoạt có công suất thiết kế xử lý 3,5 ngàn tấn/ngày và công suất tiếp nhận thực tế khoảng 2,4 ngàn tấn/ngày.

Chỉ tính riêng xử lý rác sinh hoạt, công ty đầu tư 4 nhà máy phân loại rác làm phân compost. Nước rỉ rác được xử lý bằng công nghệ RO, đạt loại A theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải bãi chôn lấp.

Trung tâm điều hành nhà máy xử lý rác phát điện 50MW (Ảnh: PLO)
Trung tâm điều hành nhà máy xử lý rác phát điện 50MW (Ảnh: PLO)

Biwase đầu tư 8 lò đốt chất thải, trong đó có một lò đốt rác phát điện công suất 200 tấn/ngày và công suất phát điện 5MW, hiện có thể đáp ứng khoảng 80% nhu cầu điện cho hoạt động của khu xử lý.

Lò đốt rác phát điện trên là do toàn bộ chuyên gia, kỹ sư của Biwase nghiên cứu, thiết kế, vận hành với quy trình khép kín từ phân loại, đốt thu hồi nhiệt phát điện, làm gạch từ tro sỉ. Do đó, khả năng tiếp tục sản xuất các lò đốt rác phát điện phục vụ khu xử lý và xuất khẩu hoàn toàn có thể. 

Theo kế hoạch, thời gian tới khu sẽ đầu tư lò đốt rác sinh hoạt phát điện 500 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 12 MW. Một phần năng lượng được giữ lại phục vụ hoạt động của nhà máy, một phần đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Khi đó, %.tỷ lệ chôn lấp chất thải trơ của khu sẽ về 0%.

Được biết, nhà máy có tổng vốn đầu tư 835 tỷ đồng. Trong đó, dự án sử dụng từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) 20 triệu đô la Mỹ (tương đương 480 tỷ đồng).

Sông Trường