Theo đó, UBND TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc phát triển các trạm nạp khí CNG gắn với lộ trình đầu tư phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố.

UBND TP.HCM giao Sở GTVT đánh giá thực tiễn hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và hiệu quả của chính sách trợ giá trong thời gian qua.

TP. HCM khuyến khích đầu tư xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch - Hình 1

TP.HCM khuyến khích đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, không gây ô nhiễm môi trường (Ảnh TL)

Ngoài ra, cơ quan này cần đề xuất phương án trợ giá năm 2019, đảm bảo tính đúng tính đủ. Qua đó tạo động lực để tăng cường tính tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ và giảm dần phụ thuộc vào trợ giá từ ngân sách.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải cũng được giao hoàn chỉnh dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xe buýt đến năm 2020 theo hướng khuyến khích đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Tuyệt đối không gây ô nhiễm môi trường, có số lượng và cơ cấu đoàn phương tiện phù hợp với kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng thành phố đến năm 2020.

Đồng thời, Sở GTVT nghiên cứu cải tiến phương án đấu giá cho thuê quảng cáo trên xe buýt phù hợp với tình hình thực tế, tăng khả năng thu hút, tạo nguồn thu.

Trước đó, nhiều tuyến xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch gặp khó khăn, bế tắc vì vướng cơ chế dẫn đến nợ nần.

Chỉ trong hai tháng, Sở GTVT đã tạm ngừng 4 tuyến xe buýt trên địa bàn do vắng khách, dù trước đó sở này đã kiến nghị UBND TP.HCM tăng thêm hơn 330 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt.

Vào tháng 8/2018, hai tuyến xe buýt mang mã số 40 có lộ trình từ Bến xe Miền Đông - bến xe Ngã 4 Ga, do HTX Vận tải Đông Nam đảm nhận và tuyến mang mã số 149 có lộ trình công viên 23/9 - Tân Phú - Bến xe An Sương, do HTX Vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng đảm nhận bị tạm ngừng vì lượng khách quá ít.

Mới đây nhất, 2 tuyến xe buýt khác gồm tuyến xe số 37 có lộ trình cảng quận 4 - Nhơn Đức do HTX Vận tải số 26 đảm nhận và tuyến số 60 lộ trình Bến xe An Sương - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân do HTX vận tải 19/5 đảm nhận cũng bị tạm ngừng hoạt động từ ngày 1/10.

Tháng 9 vừa qua, tuyến xe buýt số 11 kết nối quận 2 với trung tâm TP.HCM cũng bị cắt bớt lộ trình, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Tuyến xe buýt này được kết nối quận 1 với quận 2 sau khi tuyến số 35 (chạy vòng quanh quận 1) bị tạm ngừng do vắng khách vào năm 2017.

Dù đánh giá việc điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt số 11 kết nối quận 2 thu hút thêm hành khách sử dụng xe buýt để đi lại. Tuy nhiên, Sở GTVT cho rằng, số lượng hành khách tăng thêm chưa cao. Sau 9 tháng hoạt động, qua thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 450 lượt hành khách sử dụng tuyến xe buýt số 11 trên lộ trình kết nối quận 2, tương đương khoảng 3,2 hành khách/chuyến. Do nhu cầu đi lại của người dân chưa cao và chưa tương xứng với cự ly tăng thêm của tuyến khi lưu thông qua quận 2 nên lộ trình kết nối quận 2 với trung tâm quận 1 bị cắt.

Lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, nguyên nhân tạm ngừng, cắt giảm lộ trình các tuyến xe buýt này là lượng khách đi lại ít, không đủ kinh phí hoạt động. Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP.HCM thừa nhận việc tạm ngừng một số tuyến xe buýt sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, gây khó khăn cho người dân đi xe buýt.

Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy lượt khách đi lại trên các tuyến này ít, không đủ chi phí hoạt động, không mang lại hiệu quả cho hoạt động khai thác tuyến nên phải tạm ngừng. Với những tuyến xe buýt bị tạm ngừng, hành khách có thể lựa chọn các tuyến xe khác để thay thế nhưng không thuận tiện.

Theo Sở GTVT, từ năm 2014 thành phố có kế hoạch đầu tư mới 1.680 xe buýt, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp, HTX chú trọng đầu tư phương tiện chạy bằng CNG. Tuy nhiên, đề án này đang gặp nhiều vướng mắc do việc bố trí các trạm khí CNG chưa hợp lý, tốc độ phát triển các trạm khí không đồng bộ với các tuyến xe buýt. Việc thực hiện thủ tục hỗ trợ lãi vay cho các doanh nghiệp còn chậm…

Hải Đăng