Các trường hợp gây nên biến chứng khi tiêm hủy mỡ thường xảy ra là mỡ bị phân hủy nhưng không tan, vây quanh mạch máu, thần kinh tạo thành ổ đọng dịch, hoại tử, xuất huyết… Nhưng vì lợi ích trước mắt, các cơ sở làm đẹp đua nhau thổi phồng công dụng, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, website, facebook, fanpace bất chấp sự nguy hại đến sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng, khiến nhiều “thượng khách” bị mê hoặc, sẵn sàng "xuống tiền" hàng trăm triệu đồng để tiêm hủy mỡ, giảm béo, truyền trắng mà không rõ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm từ đâu.
Ai cấp phép cho Viện thẩm mỹ quốc tế A&A kinh doanh, sử dụng thuốc tiêm hủy mỡ tại cơ sở?
Lạm dụng thuốc, tiêm tinh chất hủy mỡ tại cơ sở thẩm mỹ
Mới đây, bệnh viện Da liễu Trung ương có tiếp nhận 3 trường hợp tại khoa cấp cứu sau khi giảm béo bằng tiêm thuốc vào khối mỡ làm tan mỡ. Bệnh nhân khi đến viện trong tình trạng mỡ bị phân hủy nhưng không tan, vây quanh mạch máu, thần kinh xung quanh tạo thành ổ đọng dịch, sưng vù vùng mặt, có ổ hoại tử…
Trước tình trạng sử dụng “thuốc tiêm hủy mỡ” tràn lan tại nhiều cơ sở làm đẹp, trong vai khách hàng làm đẹp có nhu cầu giảm mỡ bụng, căng chỉ mặt… phóng viên đã thực tế tại Viện thẩm mỹ quốc tế A&A (VTM quốc tế A&A) có địa chỉ tại số 59-63 Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3, TP.HCM. Tại đây, một người không mặc áo bác sĩ, không đeo bảng tên, giới thiệu là bác sĩ Trần Ngọc Sĩ, tư vấn: VTM quốc tế A&A có đầy đủ mọi biện pháp hủy mỡ, từ phẫu thuật hút mỡ, cho đến tiêm thuốc hủy mỡ, tiêm nội tiết tố để giảm cân...
Bác sĩ Trần Ngọc Sĩ đang tư vấn liệu trình tiêm thuốc hủy mỡ tại VTM quốc tế A&A cho khách hàng
Giới thiệu về công dụng của sản phẩm được cho là thuốc hủy mỡ, bác sĩ này giải thích: Trong cơ thể chúng ta, túi mật tiết ra một loại chất với tên gọi phosphatidylcholin có tác dụng tiêu hủy mỡ... Ngoài ra, chất phosphatidylcholin còn có trong đậu nành, với công dụng giảm béo, nên người ta chiết xuất chất này từ đậu nành, sau đó tiêm chất này vào vùng cần hủy mỡ.
Vị bác sĩ này còn cho biết thêm, thuốc hủy mỡ này 1 đến 2 tuần tiêm một lần, mỗi liệu trình phải tiêm 6 lần, sau lần tiêm nếu lượng mỡ vùng cần hủy còn nhiều thì duy trì từ 1 đến 2 tháng tiêm một lần. Tùy vùng cần tiêm như bụng, hông, cánh tay có lượng thuốc tiêm thích hợp, nhưng mỗi lần tiêm sẽ không quá 40cc. Khi tiêm thuốc hủy mỡ, lượng mỡ sẽ được đào thải qua đường tiểu, đường phân…
Ngoài ra, PV còn được nhân viên tên H. đưa cho xem loại thuốc tiêm hủy mỡ có tên gọi Lipolytic solution, giới thiệu thuốc có xuất xứ Tây Ban Nha. H. cho biết, đây là hàng nhập khẩu nên không có bán ngoài nhà thuốc, không có nhãn phụ tiếng Việt, chỉ bán theo liệu trình hủy mỡ do VTM quốc tế A&A kê toa, tiêm 7 lần/liệu trình.
Sản phẩm "thuốc hủy mỡ" lipolytic solution mà VTM quốc tế A&A đang sử dụng tiêm hủy mỡ cho khách hàng
Đặc biệt hơn, PV còn được giới thiệu gặp bác sĩ người Hàn Quốc để trực tiếp thăm khám, tư vấn và làm phẫu thuật ngay tại cơ sở này với nhiều dịch vụ như bơm mông, hút mỡ bụng, phẫu thuật mặt, nâng mũi, mở góc mắt, gọt cằm… Khách sẽ được tiêm tê trước khi thực hiện các dịch vụ phẫu thuật làm đẹp.
Chỉ sau ít phút thăm khám và tư vấn của bác sĩ, PV được báo với mức giá “khủng” tính bằng ngoại tệ, hơn 16 ngàn đô la, cụ thể: nâng mũi giá 2.800USD, mở góc mắt trong 1.000USD, mở góc mắt ngoài 1.000USD, hút mỡ bụng giá 10.000USD, lấy mỡ bụng bơm lên mặt giá 1.900 USD,... Nếu khách hàng đồng ý, VTM quốc tế A&A sẽ tiêm tê trước khi làm đẹp.
Bác sĩ người Hàn Quốc thăm khám và tư vấn phẫu thuật cho khách hàng. Chỉ sau ít phút, PV được báo với mức giá “khủng” tính bằng ngoại tệ, hơn 16 ngàn đô la.
Thuốc tiêm hủy mỡ chưa được cấp phép sử dụng
Việc lạm dụng tinh chất hủy mở đang sử dụng đại trà tại các cơ sở thẩm mỹ gây nên rất nhiều hệ lụy cho những ai có nhu cầu làm đẹp, đang là một thực trạng báo động... Dù biết rằng hiện nay chưa có cơ sở y khoa nào chứng minh các tinh chất hủy mở này được dùng vào lĩnh vực làm đẹp, nhưng sản phẩm này lại được công khai sử dụng tràn lan.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, bộ môn Dược lâm sàng, khoa Dược, trường Đại học Y Dược TP.HCM, chất Phosphatidylcholin là chất béo có nhiều ở lòng đỏ trứng gà, đậu nành… thành phần có trong sản phẩm được cho là thuốc hủy mỡ thuộc nhóm chất béo với tên phospholipid (tức chất béo có phosphor).
Còn trong cơ thể, nó có ở tế bào, đặc biệt là màng tế bào. Chất phosphatidylcholin đã được nghiên cứu trong lĩnh vực sức khoẻ. Thử trên chuột thí nghiệm bị làm nhiễm siêu vi viêm gan A, B và C, thì phosphatidylcholin cho thấy có thể sửa chữa tình trạng gan bị tổn thương nhưng không cho thấy công dụng này trên người.
“Chất phosphatidylcholin được đồn đại có tác dụng phân huỷ tế bào mỡ, có thể dùng thay thế phương pháp hút mỡ, nhưng hiện không có công trình nghiên cứu nghiêm túc nào chứng thực là tiêm phosphatidylcholin làm giảm mỡ, giảm cân. Phải khẳng định rằng, phosphatidylcholine không liên quan đến tiêu hủy mỡ và không thể tiêu hủy mỡ đào thải qua đường tiểu, đường phân”. PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Lạm dụng tiêm hủy mỡ gây nhiều tai biến nguy hiểm sức khỏe
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cho biết: Phosphatidylcholine ban đầu được lưu hành trên thị trường ở một số nước châu Âu dưới dạng biệt dược tên Lipostabil. Trong y khoa, thuốc này được dùng để điều trị thuyên tắc phổi do mỡ, nhưng đã bị lạm dụng trong thẩm mỹ. Nếu tiêm chất này lên các lớp mỡ, màng tế bào mỡ bị phá hủy dần, khối mỡ dư thừa hóa lỏng thành dạng nhũ tương.
Ngoài ra, tiêm thuốc này vào mô mỡ rất nguy hiểm, chúng không chỉ phá hủy màng tế bào mỡ mà cả màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh trong vùng tiêm thuốc. Tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ sẽ giải phóng ra triglyceride (dầu) ở dạng nhũ tương. Lượng nhũ tương này nếu không được hút ra khỏi cơ thể sẽ gây ứ đọng tại chỗ, có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Vấn đề công luận quan tâm ở đây, rõ ràng VTM quốc tế A&A đang sử dụng, kinh doanh “chui” loại sản phẩm được cho là “thuốc tiêu hủy mỡ cơ thể” chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường.
Hiện tại, tinh chất tiêm hủy mỡ đang được rao bán và sử dụng tràn lan tại các cơ sở làm đẹp như spa, thẩm mỹ viện và cả phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ… nhưng chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Việc kiểm tra giám sát, phát hiện, xử lý hiện nay còn buông lỏng, thờ ơ, phó mặc tính mạng người tiêu dùng trước cạm bẫy làm đẹp?
Tại Việt Nam, đối với sản phẩm là thuốc hay hóa chất dùng cho cơ thể người liên quan đến sức khỏe đều phải có giấy phép của Sở Y tế, Bộ Y tế cấp phép cho lưu hành trên thị trường. Các loại thuốc tiêm để làm tan mỡ dưới da là rất nguy hiểm và có nhiều tác dụng phụ. Đã từ lâu, nó có mặt trên thị trường nhưng rất ít người dùng vì không thể kiểm soát được sự tác động của thuốc trong vùng cơ thể mong muốn. Theo tôi biết thì các thuốc này không được nhập khẩu và không có giấy phép sử dụng của Bộ Y tế - (PGS.TS.BS Lê Hành – Chủ tịch hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam).
Quỳnh Hương - Nguyễn Kiên