Khảo sát của đơn vị thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho thấy những tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp nhóm ngành thương mại - dịch vụ cần tuyển nhiều lao động nhất, từ hơn 102.000-108.000 người, chiếm gần 67% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố.
Khu vực công nghiệp - xây dựng cần từ 50.700-53.300 chỗ làm việc, chiếm hơn 33%. Tỷ lệ này ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 0,08%, tương đương 123-129 vị trí.
Hầu hết vị trí đều cần lao động đã qua đào tạo với tỷ lệ gần 88%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%, cao đẳng 23,16%, trung cấp 21,72%, sơ cấp 23,28%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông chiếm tỷ lệ hơn 12%, tương đương khoảng 19.800 vị trí.
Đánh giá của Falmi, tình hình kinh tế nửa đầu năm ở TP. Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng, đặc biệt các ngành ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, du lịch và bất động sản.
Điều này khiến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng tăng theo. Tình trạng lao động mất việc làm cũng giảm so với cùng kỳ. Số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố, 6 tháng đầu năm, đơn vị này tiếp nhận 75.327 người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 7.262 hồ sơ, tương đương 8,79%, so với cùng kỳ.
Nhu cầu tuyển dụng tăng cũng là ghi nhận của nhiều công ty cung cấp dịch vụ lao động. Theo dữ liệu của Việc làm tốt, số lượng tin đăng tuyển dụng của quý 2 tăng trưởng 30% so với quý 1. Nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất ở các lĩnh vực như bán hàng, nhân viên kho vận, nhân viên văn phòng với lượng tin đăng tăng hơn 40%, nhân viên kinh doanh và tạp vụ tăng 30%, công nhân tăng 24% và nhân viên giao hàng, kho vận tăng 15%.
Tương tự, số liệu của Adecco Việt Nam cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng trong các lĩnh vực bán hàng và tiếp thị cho ngành công nghiệp, cũng như nhân sự là chuyên gia trong ngành sản xuất và cung ứng. Nhiều lĩnh vực như sản xuất và xuất khẩu có nhu cầu tuyển dụng tăng nhẹ ở mức 5% so với cùng kỳ...
Hoàng Bách (t/h)