Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Y tế phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm, các đơn vị liên quan tiếp tục cập nhật diễn biến tình hình các trường hợp ngộ độc thực phẩm nghi nhiễm botulinum; tập trung các biện pháp ngăn chặn, tránh để xảy ra việc ngộ độc tương tự trên địa bàn, kịp thời báo cáo kết quả về UBND TP. Hồ Chí Minh.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nghi nhiễm botulinum, theo dõi sát tình trạng người bệnh, tích cực điều trị, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố tăng cường xây dựng các bài viết phân tích cụ thể, dễ hiểu về phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Những việc này, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; không sử dụng các loại thực phẩm không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện được giao phối hợp với các đơn vị có liên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Trước đó, Sở Y tế đã có báo cáo nhanh về sáu trường hợp nhập viện vì ngộ độc thực phẩm do nghi nhiễm botulinum cư trú tại TP. Thủ Đức. Các bệnh nhân được tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hoàng Bách