Cầu Thủ Thiêm 2 động thổ năm 2015, dự tính hoàn thành năm 2018 nhưng do vướng mặt bằng nên lỗi hẹn gần 04 năm.
Công trình có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (Quận 1) chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng vượt sông Sài Gòn và kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Dự án được xây theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP. Hồ Chí Minh đến thời điểm này.
Công trình dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu dài 886m với 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113m. Toàn bộ phần trụ tháp và hệ thống 56 dây văng đã kết nối với nhau, theo hướng nghiêng về Thành phố Thủ Đức. Trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào, đón du khách tới với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Công trình còn có hình uốn lượn khi nhìn từ mặt bên của cầu. Kiến trúc này đem lại tính thẩm mỹ độc đáo và tạo điểm nhấn kiến trúc trên sông Sài Gòn.
Cầu Thủ Thiêm 2 được đưa vào sử dụng giúp mở thêm hướng kết nối khu trung tâm hiện hữu qua trung tâm mới - khu đô thị Thủ Thiêm và góp phần giảm ùn tắc cho đường Tôn Đức Thắng; giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, đường hầm vượt sông Sài Gòn.
Từ 15h hôm nay, các phương tiện có thể chạy qua cầu Thủ Thiêm 2, riêng xe container bị cấm. Phía Quận 1, xe từ đường Lê Duẩn đi thẳng hướng Tôn Đức Thắng để lên cầu Thủ Thiêm 2. Hướng từ đường Đồng Khởi, xe theo đường Tôn Đức Thắng rồi rẽ qua Võ Văn Kiệt, chui dưới dạ cầu Khánh Hội quay đầu về Tôn Đức Thắng, sau đó theo nhánh N2 lên cầu Thủ Thiêm 2.
Phía Thủ Thiêm, xe theo đường Mai Chí Thọ, qua đường Tố Hữu đến tuyến R12 để lên cầu Thủ Thiêm 2. Với hướng từ cầu Thủ Thiêm 1, xe chạy thằng đường Nguyễn Cơ Thạch vào đường Tố Hữu rồi rẽ vào đường R12.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, cầu Thủ Thiêm 2 là công trình quan trọng, thúc đẩy khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển, phát huy hiệu quả của các dự án khác trong khu vực.
“Tôi ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của thành phố và chủ đầu tư, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp vẫn đảm bảo được tiến độ thi công, đến nay công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi bày tỏ, trong không khí phấn khởi, hào hùng của những ngày cuối tháng 4 lịch sử, thành phố vui mừng tổ chức khánh thành, khởi công nhiều công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2022) và 136 năm ngày Quốc tế Lao động 01/05. Trong đó, Cầu Thủ Thiêm 2 là một công trình hạ tầng giao thông góp phần tiếp thêm động lực phát triển cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông Thành phố, vừa là điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể cảnh quan sông Sài Gòn.
Theo người đứng đầu UBND thành phố, với định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh theo hướng đa trung tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành hiện hữu và các khu đô thị mới đang hình thành, thành phố đã đề ra mục tiêu xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm tài chính - dịch vụ - thương mại cao cấp không chỉ của thành phố mà còn của khu vực theo cơ chế tổ chức quản lý mới, nhằm tạo bước đột phá, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng dịch vụ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện Thành phố trong giai đoạn mới.
Sau khi cầu Thủ Thiêm 2 được đưa vào khai thác sử dụng từ hôm nay, TP. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị đầu tư hai cầu còn lại gồm Thủ Thiêm 3 (nối Quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối Quận 7) trước năm 2030.
Nguyễn Tùng