Chặn đứng hội thảo thẩm mỹ trái phép có người nước ngoài tham gia

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thanh tra sở này vừa phối hợp Công an TP. Hồ Chí Minh (Phòng An ninh chính trị nội bộ và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh), Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, Phòng Y tế quận 10 và UBND phường12 (quận10) kiểm tra đột xuất tại tầng 3, tòa nhà số 24 Ba Tháng Hai (địa chỉ phường 12, quận 10) liên quan đến hoạt động hội thảo "KBIT's Vietnam member meeting - Cập nhật công nghệ chống lão hóa xu hướng 2024" do Công ty TNHH thẩm mỹ quốc tế Yonglee tổ chức có sự tham gia của người nước ngoài và ông Trương Thanh Tịnh (Mr.Lee).

Hội thảo thẩm mỹ trái phép được phát hiện có sự tham dự của
Hội thảo thẩm mỹ trái phép được phát hiện có sự tham dự của "Mr.Lee" (Ảnh: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh)

Tại thời điểm kiểm tra, hội thảo có sự hiện diện của 2 người quốc tịch Hàn Quốc (ông Noh Hyun Taek và ông Seo Jowa Yoon), bà Hoàng Huyền, ông Trương Thanh Tịnh (Mr.Lee) và hơn 50 khách mời, nhân viên tổ chức sự kiện.

Theo hình ảnh nội dung quảng cáo chương trình của hội thảo, ông Noh Hyun Taek được mời chia sẻ công nghệ chỉ nâng cơ mặt MINT Lift, ông Trương Thanh Tịnh (Mr Lee) được mời chia sẻ kỹ thuật căng chỉ xóa nọng cằm bằng chỉ MINT và bà Hoàng Huyền được mời chia sẻ kỹ thuật MD Codes.

Hội thảo trái phép bị xử lý - Ảnh: Sở Y tế TPHCM
Hội thảo trái phép bị xử lý. Ảnh: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh 

Đoàn kiểm tra còn phát hiện và tạm giữ 11 loại sản phẩm (trang thiết bị y tế, hộp filler), hơn 400 tờ rơi, catalogue giới thiệu sản phẩm, sáu standee quảng cáo hội thảo để tiếp tục xác minh làm rõ.

Dù quảng cáo về nội dung hội thảo rất hoành tráng thế nhưng tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Yonglee chỉ cung cấp hình ảnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp cho Công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Yonglee (trụ sở chính ở 39A đường Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10) do bà Nguyễn Thị Thương là giám đốc và đại diện pháp luật.

Công ty không cung cấp được các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tổ chức sự kiện, hội thảo và các hồ sơ pháp lý liên quan đến các sản phẩm filler và trang thiết bị y tế đang được trưng bày, giới thiệu tại hội thảo.

Đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Yonglee ngưng việc tổ chức hội nghị giới thiệu các nội dung liên quan đến hoạt động thẩm mỹ và các sản phẩm filler, trang thiết bị y tế khi chưa có hồ sơ pháp lý.

Liên quan đến ông Trương Thanh Tịnh (Mr Lee), ngày 15/9/2023, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất căn nhà có biển “Mr Lee” tại địa chỉ 15 Nguyễn Quý Cảnh, phường An Phú, TP. Thủ Đức. 

Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh yêu cầu ngưng ngay việc hành nghề thẩm mỹ trái phép, cũng như chấm dứt việc quảng cáo trái phép trên mạng xã hội. Sau đó, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phạt ông Trương Thanh Tịnh (Mr Lee) tổng cộng hơn 115 triệu đồng(bao gồm phí phạt chậm nộp).

Tiếp theo, ngày 15/11/2023, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất căn nhà có gắn bảng hiệu “Mr Lee” tại số 15 Nguyễn Quý Cảnh, phường An Phú, TP . Thủ Đức.

Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện ông Trương Thanh Tịnh (Mr Lee) và bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Tịnh) tổ chức phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi, tiêm filler… trái phép. Đoàn kiểm tra yêu cầu ông Trương Thanh Tịnh và bà Nguyễn Thị Thương ngưng ngay việc thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm… Sau đó, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phạt ông Trương Thanh Tịnh 30 triệu đồng và đình chỉ hoạt động thẩm mỹ.

Nhức nhối tình trạng ‘nhái thương hiệu’ các bệnh viện

Trước nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao của người dân, các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ cũng theo đó mọc lên như "nấm sau mưa."

Tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường làm đẹp càng sôi động hơn khi có hàng trăm, hàng ngàn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ và thẩm mỹ viện đang hoạt động.

Tuy nhiên, vì chạy đua theo lợi nhuận, nhiều cơ sở đã sử dụng bác sỹ phẫu thuật chưa được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật vượt quá chuyên môn cũng như nhái thương hiệu của các bệnh viện nổi tiếng rồi cung cấp dịch vụ chất lượng kém, thu tiền cao để rồi gây ra những hậu quả nặng nề.

Nhiều bệnh viện lớn phải lên tiếng bị nhiều cơ sở, cá nhân nhái thương hiệu nhưng cung cấp dịch vụ chất lượng kém, thu tiền cao đã khiến nhiều người dân sập bẫy và mất tiền dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu của các bệnh viên và sức khỏe của người dân.

Theo ông Huỳnh Lê Đức - Giám đốc hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn, thời gian qua ông nhận được nhiều phản ánh về việc một cơ sở mang tên “Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Đồng Tháp” tự nhận là chi nhánh của hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Thông tin này được đăng tải trên cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp.

Sau đó, Bệnh viện Mắt Sài Gòn ngay lập tức có văn bản gửi đến cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp đề nghị đính chính và xin lỗi về bài viết sai sự thật khi đưa thông tin nêu trên.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn được thành lập vào năm 2004. Trải qua 19 năm hình thành phát triển, đến nay hệ thống đã có 10 bệnh viện, 3 phòng khám và trung tâm nhãn khoa trải dài cả nước.  

Trong khi đó, Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Đồng Tháp hoạt động từ ngày 21/5/2023 tại địa chỉ số 303, đường Phạm Hữu Lầu, Phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, do ông Nguyễn Văn Thêm là người đại diện pháp luật. Cơ sở này cũng có bộ nhận diện thương hiệu hoàn toàn khác với Bệnh viện Mắt Sài Gòn “chính chủ”. Thế nhưng, không biết vô tình hay cố ý, dù hoạt động ở Đồng Tháp những gắn nhãn “Mắt Sài Gòn” vào tên gọi.

Theo như thông tin giới thiệu, bệnh viện này được đầu tư, xây dựng và phát triển bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Hy An (Hy An Group) có trụ sở đặt tại 68 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh; Văn phòng giao dịch đặt tại 20, Đường D1, KDC Him Lam, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Thêm, trú phường Tân Hưng Thuận, Quận 7, TP. HCM là người đại diện của BV Mắt Sài Gòn- Đồng Tháp
Ông Nguyễn Văn Thêm, trú phường Tân Hưng Thuận, Quận 7, TP. HCM là người đại diện của BV Mắt Sài Gòn- Đồng Tháp

Không chỉ có Bệnh viện Mắt Sài Gòn bị sử dụng thương hiệu và màu sắc na ná và đặt tên bệnh viện như các bệnh viện chi nhánh trực thuộc hệ thống, mà trước đó nhiều thương hiệu trong lĩnh vực y tế khác cũng bị xâm phạm như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175... để đặt tên cho các cơ sở y tế khác như: Thẩm mỹ Chợ Rẫy, Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy, Viện thẩm mỹ 175… nhằm khiến bệnh nhân hiểu nhầm đây là cơ sở của những đơn vị trên. 

Tình trạng các cơ sở thẩm mỹ, phòng khám “ăn theo” tên tuổi các bệnh viện lớn là điều đang diễn ra gây nhức nhối cho việc quản lý trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử phạt vi phạm liên quan đến hành vi đánh cắp thương hiệu và pháp luật quyền sở hữu trí tuệ không thuộc thẩm quyền của ngành y tế. Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào tên cơ sở hoặc công ty trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp đối với công ty, UBND quận huyện cấp đối với hộ kinh doanh.

Thực tế lâu nay các cơ sở y tế ít quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đây chính là khe hở để các đối tượng ngang nhiên trục lợi trên công sức, danh tiếng mà các cơ sở y tế có uy tín mất nhiều tiền bạc và thời gian để xây dựng.

Đã đến lúc các cơ sở y tế không nên xem nhẹ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vì lợi ích của chính đơn vị và sức khỏe người bệnh.

Hoàng Bách