Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp... đã cùng nhau đóng góp ý kiến phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch đường thủy trong thời gian tới.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho hay, du lịch đường thủy chính là một phần không thể thiếu của bức tranh du lịch đa dạng và hấp dẫn.
Trong đó, sông Sài Gòn mang đến một cái nhìn độc đáo về sự pha trộn giữa cảnh quan đô thị hiện đại và những ký ức lịch sử.
TP. Hồ Chí Minh đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, bến, bãi neo đậu tàu và sắp xếp, quy hoạch các bến tàu trong sự phát triển quy hoạch chung của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngành Du lịch thành phố phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố. TP. Hồ Chí Minh phấn đấu, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.
Để hưởng ứng Tuần lễ du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ ba, Sở Du lịch cũng đã giới thiệu 17 sản phẩm du lịch đường thủy, trong đó nhóm các sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳ gồm 7 tuyến; nhóm sản phẩm du lịch đường thủy mới gồm 10 tuyến. Trong 17 tuyến có 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Đồng Nai có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.
Ngoài ra, Sở Du lịch cũng cho biết, kế hoạch đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn, liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến nội đô.
Qua đó, số lượng khách năm 2023 và 2024 đạt 500.000 lượt/năm, doanh thu 300 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.
TP. Hồ Chí Minh sở hữu gần 1.000 km đường sông với hệ thống kênh rạch kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khu vực nội đô, TP. Hồ Chí Minh có trên 100 tuyến giao thông thủy và khoảng 135 tài nguyên.
Phong Vân