Sáng 20/12, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 16/12, 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) từ Chính phủ Úc viện trợ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã về đến Việt Nam.

Trong số vaccine trên, TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ được phân bổ 14.400 liều. Đây là vaccine phòng một số bệnh bắt buộc theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 38/2017/TT-BYT bao gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyễn Ly)

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng ngay khi nhận được số vaccine này, phân bổ về cho các trung tâm y tế quận huyện.

Do số lượng hạn chế, vaccine sẽ được ưu tiên sử dụng cho trẻ đủ 02 tháng tuổi trở lên, chưa được tiêm chủng đủ 3 mũi vaccine DPT-VGB-Hib, theo thứ tự như sau:

Thứ nhất, ưu tiên tiêm chủng cho trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib, từ nhóm tuổi nhỏ nhất (đủ 02 tháng tuổi), sau đó đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn, bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi.

Thứ hai, tiêm trả mũi 2-3 cho những trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi.

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) sẵn sàng thực hiện tiếp nhận, bảo quản, phân bổ và triển khai tiêm chủng cho trẻ, ngay khi vaccine từ nguồn viện trợ trên được cung ứng.

Đồng thời, hướng dẫn các địa phương chủ động thực hiện hoạt động rà soát, lập danh sách đối tượng và mời tiêm chủng, truyền thông về lợi ích tiêm chủng, lịch tiêm và vận động phụ huynh chủ động đưa trẻ ra tiêm chủng.

Sau đó, tổ chức tiêm chủng vaccine DPT-VGB-Hib miễn phí tại các trạm y tế và một số bệnh viện có thực hiện tiêm chủng mở rộng; đảm bảo tổ chức tiêm an toàn, hiệu quả theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ tiếp nhận, xử trí nếu có trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Phong Vân