Tại buổi họp báo cung cấp thông tin các vấn đề tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phối hợp Sở Thông tin và truyền thông TP. Hồ Chí Minh tổ chức, đại diện các đơn vị đã thông tin về công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Về nguồn hàng hóa phục vụ cho người dân trong dịp Tết, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, để chuẩn bị hàng hóa Tết, ngay từ đầu năm, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công Thương chủ trì tích cực triển khai thực hiện. Theo đó, có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: KT)

Về nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 02 tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng. Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%.

Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)… kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

Tại 3 chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống, dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày.

Để chuẩn bị Tết, Sở Công Thương phối hợp UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức triển khai các giải pháp đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…

Cùng với đó trên địa bàn thành phố có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố hiện đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết.

Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường; đồng thời, có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.

Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; thực hiện giảm giá sâu trong 02 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Đồng thời, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng Chương trình Shopping Season đợt 2 năm 2022, đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng Tết như: Nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...

Riêng mặt hàng gạo, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin thời gian qua, giá lương thực thế giới đã tăng mạnh, trong đó giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 40%. Để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công Thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành; có thêm một doanh nghiệp kinh doanh gạo quy mô lớn đăng ký tham gia đồng hành cùng thành phố trong thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố.

Với nguồn lực hiện có, gồm các tập đoàn kinh doanh gạo quy mô lớn; cùng với sự chia sẻ thông tin, phối hợp kịp thời của các địa phương vùng nguyên liệu, các hệ thống phân phối lớn của thành phố; Sở Công Thương nhận định thị trường gạo trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu.

Phong Vân