Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với hai di tích kiến trúc nghệ thuật là Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh (169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu) và Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh (280 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3).
Đồng thời, xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích lịch sử căn cứ quận Gò Môn (1961-1969) tại ấp An Bình, xã Trung An, huyện Củ Chi.
UBND TP. Hồ Chí Minh nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ tại các di tích nêu trên. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích phải được phép của Chủ tịch UBND TP.
Sở Văn hóa và Thể thao, UBND Quận 3, UBND phường Võ Thị Sáu, Quận 3, UBND huyện Củ Chi, UBND xã Trung An, huyện Củ Chi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với những di tích được xếp hạng nêu trên.
Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh thành lập từ tháng 06/1975 tại số 55 Nguyễn Đình Chiểu với tên gọi Câu lạc bộ Thiếu nhi, sau này được dời đến số 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3.
Năm 1979, Câu lạc bộ Thiếu nhi TP được đổi tên thành Nhà văn hóa Thiếu nhi. Đến tháng 08/1986, UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định đổi tên thành Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh cho đến nay.
Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh với chuyên khoa hạng I, là cơ sở nhãn khoa đầu ngành của TP. Đây là công trình do dòng Saint Paul của Pháp xây theo kiến trúc Pháp từ những năm 1930. Sau đó, bệnh viện được đổi thành Trung tâm Mắt và được chính thức đổi tên thành Bệnh viện Mắt từ năm 2002.
Còn căn cứ quận Gò Môn là địa danh được Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định hợp nhất hai địa phương Gò Vấp và Hóc Môn thành quận Gò Môn từ tháng 05/1961, nay là các quận Gò Vấp, 12 và huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Đây là địa bàn trọng điểm để chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng toàn vùng, góp phần vào công cuộc chiến đấu thống nhất đất nước.
Phong Vân