Ghi nhận các ổ dịch tại 5 cơ sở giáo dục
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin, ngay trong tuần học đầu tiên của năm học mới thành phố ghi nhận các ổ dịch sởi trong trường học.
Cụ thể, 4 ca tại Trường Tiểu học Phạm Hữu Lầu (phường Phú Mỹ, Quận 7); 3 ca tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh); 2 ca tại Trường Tiểu học Lại Hùng Cường (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh); 2 ca tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) và 3 ca tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức). Hầu hết các học sinh mắc bệnh đều chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi.
Trước tình hình trên, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND các huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, Quận 7 và TP. Thủ Đức tập trung ưu tiên tổ chức tiêm vaccine cho trẻ ở các trường học, khu dân cư tại các phường, xã ghi nhận có ổ dịch sởi trong trường học. Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu phải nhanh chóng tăng tỷ lệ tiêm vaccine sởi lên mức cao nhất.
Liên quan đến việc xuất hiện nhiều ổ dịch sởi, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Viện phó Pasteur TP. Hồ Chí Minh dự báo sẽ tiếp tục phát sinh nhiều ổ dịch khi học sinh trở lại trường.
Các trường cần triển khai hệ thống giám sát trẻ sốt, báo cáo để cảnh báo, theo dõi sát. Khi học sinh có dấu hiệu phát ban phải tiến hành xử lý ổ dịch nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương tiến hành song song hai việc, vừa tiếp tục rà soát vừa tổ chức tiêm chủng. Không đợi đến khi rà soát đủ mới tổ chức tiêm ngừa.
Trên thực tế số ca sởi đang tiếp tục gia tăng, song tiến độ tiêm chủng cho trẻ ở các địa phương còn khá chậm. Có những quận không tổ chức hoặc tổ chức rất ít điểm tiêm chủng tại trường học.
"Ngành giáo dục cần phối hợp triển khai tiêm chủng sởi nhanh hơn nữa trong các trường học", bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng địa phương đang trong thời kỳ dịch sởi. Trẻ có triệu chứng lâm sàng như sốt, phát ban thì nhà trường và ngành y tế địa phương cần tổ chức xử lý ca bệnh, ổ dịch ngay, không cần đợi đến lúc có kết quả xét nghiệm dương tính mới phòng chống dịch.
Ước tính cần tiêm cho khoảng 125.000 trẻ
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thông tin, ước tính gần 61.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi ở thành phố chưa được tiêm đủ mũi vaccine sởi. Số liệu trên căn cứ vào hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Trẻ từ 6 đến 10 tuổi có hơn 633.000 cháu đi học từ lớp 1 đến lớp 5, theo số liệu năm học trước của Sở Giáo dục và Đào tạo. Ước tính trẻ chưa được tiêm đủ mũi chiếm 10%, số phải tiêm trong chiến dịch dự kiến là khoảng hơn 63.300.
Như vậy, số trẻ 1 đến 10 tuổi cần tiêm sởi lần này gần 125.000.
Theo ông Thượng, ban đầu TP. Hồ Chí Minh lên phương án tiêm bổ sung vaccine cho tất cả trẻ, không kể tiền sử tiêm chủng trước đó. Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (năm 2022). Khi dịch sởi bùng phát lan rộng thì nên chọn phương án tiêm bổ sung vaccine tất cả trẻ.
Giai đoạn đầu ưu tiên tập trung tiêm tất cả trẻ sinh sống tại những quận huyện có số ca mắc sởi cao như Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, TP. Thủ Đức... với dự kiến khoảng 263.640 trẻ.
Tuy nhiên, giám sát tình hình trẻ mắc sởi từ khi công bố dịch sởi hôm 27/8 với số ca mắc mới trung bình mỗi ngày khoảng 20 và hầu hết chưa tiêm đủ mũi vaccine, TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh sang phương án tiêm cho những trẻ chưa được tiêm đủ hai mũi.
Điều này đặt ra yêu cầu phải phối hợp nhiều đơn vị rà soát thực tế, lập danh sách trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi, không phân biệt thường trú, tạm trú và vận động đưa trẻ đi tiêm trong thời gian ngắn nhất để sớm tái lập miễn dịch trong cộng đồng góp phần chấm dứt dịch sởi.
Thành phố mua 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) từ nguồn ngân sách, khởi động chiến dịch tiêm chủng từ ngày 31/8.
Đến nay, nhiều quận huyện đã rà soát, tiêm chủng đạt tỷ lệ cao. Đơn cử như, huyện Bình Chánh đã đạt tiến độ tiêm trên 80% với nhóm trẻ 1-5 tuổi. Các quận như Phú Nhuận, 5, 3, 7, 10, Nhà Bè, Bình Tân, quận 6 đã rà soát được trẻ thực tế cao hơn so với số được quản lý trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Hoàng Bách(t/h)