Theo đó, trong 10 nội dung này có 4 nội dung liên quan đến vấn đề phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. 

Cụ thể, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị ây dựng quy chế phát ngôn của đơn vị, phổ biến và quán triệt đến tất cả cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị đảm bảo sự tuân thủ.  

Người đứng đầu đơn vị là người phát ngôn chính thức của đơn vị, chỉ uỷ quyền phát ngôn cho cấp phó trong trường hợp bận đột xuất, việc ủy quyền được thực hiện bằng văn bản, áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.  

Cho dù là phát ngôn chính thức hay được uỷ quyền, nội dung phát ngôn cần được soạn thảo bằng văn bản, chỉ phát ngôn theo văn bản đã được thống nhất và phê duyệt.

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Dân Việt)

Các cá nhân của đơn vị không là người được giao nhiệm vụ phát ngôn vẫn được quyền cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh đơn vị và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. 

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị chủ động nắm bắt các thông tin phản ánh của cơ quan báo, đài liên quan đến lĩnh vực y tế, kể cả thông tin trên các nền tảng xã hội, chủ động rà soát và củng cố để tránh lặp lại tại đơn vị mình.  

Trường hợp xảy ra các sự cố gây bức xúc của người bệnh được cơ quan báo, đài phản ánh thì người đứng đầu đơn vị cần chủ động cho rà soát thông tin, thống nhất trong hội đồng chuyên môn về nhận định ban đầu, báo cáo Sở Y tế, đồng thời phát ngôn cho cơ quan báo, đài trong thời gian sớm nhất. Khi cung cấp thông tin cho cơ quan báo, đài phải đảm bảo tính chính xác, toàn diện và kịp thời. 

Sở Y tế khuyến cáo các bệnh viện cân nhắc việc cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu từ báo chí. Đơn vị có thể xem xét và từ chối cung cấp thông tin đối với các vấn đề vượt quá chức năng, thẩm quyền của mình, không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo. 

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các bệnh viện xây dựng những kịch bản về khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra, đi kèm quy trình xử lý tương ứng với các kịch bản. Từ đó, phổ biến đến tất cả lãnh đạo khoa, phòng và nhân viên của đơn vị để thống nhất khi áp dụng.

Khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, cần kịp thời báo cáo về Sở Y tế để chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ và hướng dẫn.

Hoàng Bách