![Có rất nhiều đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ thời gian qua. Ảnh: TL. Có rất nhiều đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ thời gian qua. Ảnh: TL.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/03/02/anhh1-1614677561.jpg)
Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành 2 nghị quyết của Quốc hội và 2 nghị quyết của UBTVQH. Đồng thời, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 21 thông tư để sửa đổi 31 thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí có hiệu lực đến hết năm 2020.
Đến cuối năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, theo đánh giá của các bộ, ngành, ảnh hưởng của dịch sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2021, do đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất gia hạn, điều chỉnh giảm mức thu của 29 loại thuế, phí với mức giảm từ 50 - 100% đến ngày 30/6/2021. Đồng thời, trình UBTVQH tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021.
Tháng 2/2021, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BTC quy định mức thu, khai, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt so với hiện hành nhằm hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế GTGT, thuế GTGT gồm 3 mức thuế suất: thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp; mức thuế suất phổ biến là 10% áp dụng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại và không có quy định miễn, giảm thuế GTGT.
Theo Hiệp hội Du lịch TPHCM, các ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng một lần nữa gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch. Trong bối cảnh doanh nghiệp vừa phải hoàn tiền cọc hoặc dời ngày vô thời hạn cho khách, nhưng vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ hoặc thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, việc hủy hoãn, tour diễn ra trong bối cảnh thị trường cao điểm Tết khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó khăn. Hiện một số công ty vẫn đang thương lượng để chia sẻ rủi ro. Chính vì vậy, Hiệp hội Du lịch TPHCM đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng kiến nghị các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trước thiệt hại nặng nề từ đợt dịch Covid-19 lần này.
Hiện doanh nghiệp du lịch được áp dụng quy định thời gian nộp thuế GTGT trong đợt dịch của tháng 3/2020 được giãn 6 tháng, còn hiện nay vẫn phải đóng đủ và đúng thời hạn. Ngoài ra, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động lỗ nên cũng không được áp dụng chính sách này.
Bên cạnh đó, đối với thuế thu nhập cá nhân cũng chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào, vẫn phải đóng đủ và đúng thời gian. Việc giảm giá điện đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn chỉ áp dụng đến hết năm 2020. Về Bảo hiểm xã hội, hiện cho giãn nộp với điều kiện phải cắt giảm trên 50% lao động. Doanh nghiệp nào không cắt giảm lao động thì xem như vẫn đóng bình thường.
Thùy Linh