Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Phạm Chánh Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết: Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc hàng năm luôn đạt trên 80% tác động vào quá trình phát hiện, can thiệp, điều trị sớm các bệnh tật, rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh; giúp trẻ sinh ra bình thường, tránh hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số thành phố. 

Ngoài ra, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường đã góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Năm 2019, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM ở mức khá cao (76,6 tuổi, so với cả nước là 73,6 tuổi).

Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn giới hạn, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa bắt kịp tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh tại TP.HCM. Mức sinh của thành phố có thể tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới khi năm 2019, tỷ suất sinh của TP.HCM chỉ đạt 1,39 con, tác động trực tiếp đến cơ cấu dân số của TP.HCM.

Thùy Linh