Ảnh minh họa.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, đại diện các quận, huyện cho rằng, đề án xây dựng phù hợp, nhằm bảo vệ môi trường, tuy nhiên, nhiều vấn đề như lộ trình thực hiện kiểm định, mức phí, đối tượng áp dụng… được các đại biểu yêu cầu làm rõ để đề án khả thi.
Theo đề án nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, qua kiểm tra khí thải của 10.682 xe máy, khảo sát 7.216 người dân, đồng thời lấy ý kiến của các sở ngành, chuyên gia, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng lộ trình thực hiện kiểm định theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị (năm 2021) sẽ xây dựng và ban hành cơ chế chính sách, đầu tư 88 trạm kiểm định khí thải. Giai đoạn thử nghiệm (2022-2023) sẽ hoàn thiện chính sách, kiểm tra toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu và thu phí 50.000 đồng/xe/năm. Xem xét miễn phí kiểm định cho người nghèo, cận nghèo...
Bên cạnh đó, bắt đầu phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải, áp dụng cho xe từ 5 năm sử dụng trở lên tùy quận, huyện. Giai đoạn thực thi một phần (2024-2025) sẽ đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, nâng mức tiêu chuẩn, mở rộng phạm vi, giám sát nghiêm khu vực quận 1,3,5,10… Giai đoạn thực thi toàn phần (từ 2026 trở đi) sẽ nâng mức tiêu chuẩn khí thải, yêu cầu nghiêm ngặt tại 13 quận trung tâm, kiểm soát khí thải tất cả xe. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện đề án tới năm 2030 là 553 tỷ đồng.
Theo ông Trần Hữu Phước Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM cho rằng, với lượng xe lớn, trong đó xe máy chiếm tỷ lệ phát thải cao, gây ô nhiễm môi trường nên việc kiểm định khí thải xe máy là cần thiết. Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cam kết, sở cùng các đơn vị nghiên cứu sẽ đưa ra lộ trình thực thi kiểm soát khí thải cho từng giai đoạn, đồng thời có chính sách đối với người nghèo, mức phí kiểm định cũng sẽ được xem xét nhằm đảm bảo tính khả thi cao.
Thùy Linh