Được biết, mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt, lượng rác thải này chủ yếu được thu gom bởi các phương tiện thô sơ rồi mang về các trạm trung chuyển (TTC), điểm hẹn, điểm tập kết rác trước khi vận chuyển đến bãi xử lý. Hầu hết trạm trung chuyển trên địa bàn thành phố đạt yêu cầu: Sàn công tác được vệ sinh, có thực hiện phun xịt khử mùi, có vận hành hoạt động hệ thống xử lý khí thải, nước thải, không để chất thải rắn sinh hoạt tràn ra khu vực lưu chứa, có sổ nhật ký phương tiện ra - vào trạm.

Tại một số trạm trung chuyển quận huyện còn tình trạng chất thải rắn tràn ra khỏi khu vực lưu chứa trong khoảng thời gian cao điểm, chất thải rắn để tồn đọng qua đêm với khối lượng lớn, sàn công tác trạm trung chuyển xuống cấp, bùn đất và nước rỉ rác lầy lội, gây mất vệ sinh... Tuy nhiên, do chưa được đầu tư đồng bộ nên một số trạm trung chuyển, điểm hẹn, tập kết rác còn đang gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, chủ yếu là ô nhiễm về nước rỉ rác, mùi hôi thối, rác đổ bừa bãi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Điểm tập kết rác trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TPHCM. (Ảnh: Cao Thăng)Điểm tập kết rác trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TPHCM. (Ảnh: Cao Thăng)

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM Huỳnh Minh Nhựt cho biết, việc tăng nhanh chóng chất thải rắn đô thị trên địa bàn thành phố, khoảng 6%-9%/năm, cộng thêm tính chất, thành phần chất thải đa dạng gây áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Không dừng lại đó, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn còn dàn trải, chưa tập trung; Phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại; Tỷ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao là những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và mỹ quan đô thị. 

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, thành phố đã quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố định hướng đến năm 2025. Theo đó, có 40 trạm trung chuyển (13 trạm trung chuyển khu vực và 27 trạm trung chuyển phục vụ quận, huyện) tại 19 quận, huyện được đầu tư sử dụng công nghệ ép rác kín, trang bị đầy đủ hệ thống xử lý môi trường, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, các chất thải nguy hại và các hệ thống hiện đại khác như cân, hệ thống camera, hệ thống phần mềm theo dõi khối lượng chất thải tiếp nhận tại trạm, chất lượng môi trường của trạm...

Sở cũng đã hướng dẫn UBND quận huyện đầu tư 9 trạm trung chuyển rác thải. Trong đó có 3 trạm đang triển khai xây dựng tại quận 12 và quận Thủ Đức; 6 trạm đang xin chủ trương đầu tư phân đều ở các quận Bình Tân, quận 9, huyện Củ Chi, Nhà Bè. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị hoàn chỉnh nội dung đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với các trạm trung chuyển rác thải, tập trung nghiên cứu quy hoạch trạm trung chuyển chất thải rắn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, tiến tới xóa bỏ các trạm trung chuyển nằm trong khu dân cư đông.

TPHCM đang đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn để giảm tải cho quá trình thu gom và xử lý rác thải. Để chương trình có hiệu quả, thành phố không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xả rác mà còn phải đầu tư mạnh cho phương tiện thu gom, trạm trung chuyển và các nhà máy xử lý rác. Để xử lý tình trạng ô nhiễm tại các điểm tập kết rác thải hiện nay, thành phố vạch ra một lộ trình thật cụ thể. Trước mắt, ở những điểm tập kết, trạm trung chuyển quá tải, buộc đóng cửa và điều chuyển rác đi nơi khác. Trong kế hoạch dài hơi, thành phố quy hoạch quỹ đất cho các trạm trung chuyển đạt tiêu chuẩn. Nếu thực hiện đồng bộ được các yếu tố này thì vấn đề quản lý, xử lý rác thải của thành phố chắc sẽ được cải thiện rõ rệt.

 Thùy Linh