Tại Phiên họp, các Đại biểu đã đưa ra câu hỏi chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để tìm ra những giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; Đồng thời, không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Theo Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, hiện nay đã có quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành án... Tuy nhiên, trên thực tế, việc thi hành án đối với chủ thể là người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa được quan tâm tổ chức thi hành, chỉ dừng lại ở mức độ thông báo để tự nguyện thi hành. Điều này gây chậm tiến độ thi hành án, thi hành án chưa đúng, chưa đủ, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Còn Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có thẩm quyền rất quan trọng trong điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ, xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan tư pháp. Thời gian qua mặc dù đạt được nhiều kết quả rất tích cực, tuy nhiên tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm do cơ quan này giải quyết thì chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao. Dư luận nhân dân cho rằng, thực trạng phát hiện, khởi tố, điều tra, khám phá các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp chưa tương xứng với tình hình thực tế đã xảy ra.
Bày tỏ băn khoăn trong Báo cáo số 27 của Viện trưởng VKSNDTC gửi Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ, một trong những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành ở một số trường hợp là do Toà án trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới. Một trong những tồn tại, hạn chế đó là do ý thức trách nhiệm chưa cao, nóng vội, thiếu thận trọng của kiểm sát viên… Tuy nhiên, theo phần trả lời của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Viện trưởng lại nêu việc trả hồ sơ không phải là hạn chế. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ băn khoăn về sự không thống nhất này. Và vì Viện trưởng không khẳng định đó là hạn chế nên vẫn chưa nêu được giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới. Trong Báo cáo số 27 của VKSNDTC cũng chưa nêu được giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phản ánh một thực tế, Viện Kiểm sát thì luôn luôn phải chờ kết quả cơ quan khác (ví dự như chờ kết quả của cơ quan giám định, còn nếu không có thì không thể thực hiện được gì…). Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, phải chăng với các vụ án nhạy cảm, phức tạp, quan trọng, Viện Kiểm sát luôn phải chờ các cơ quan cung cấp như vậy hay là do chúng ta còn đang có có lỗ hổng về mặt pháp luật? Đại biểu cho rằng, khi các yêu cầu của cơ quan kiểm soát không được các cơ quan khác thực thi và Viện kiểm sát không thể thực hiện được công việc thì đây là một vấn đề rất lớn.
Trả lời các câu hỏi chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết: Trong bối cảnh tranh chấp dân sự phát sinh phức tạp, số lượng vụ việc tăng khoảng 15%/năm, nhưng biên chế không tăng thì ngành không xin tăng người. Trong bối cảnh đó, ngành nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm sát viên, biết nhiều lĩnh vực và chuyên sâu 1-2 lĩnh vực. Trong đào tạo tự phân công kèm cặp là chính, học ngay trong công việc. Lĩnh vực khó sẽ tăng cường đào tạo chuyên đề, nâng cao kiến thức chuyên ngành từ cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông hỗ trợ xử lý công việc tốt hơn.
Tăng cường phối hợp với tòa để nâng cao chất lượng xét xử, nâng cao chất lượng bản án. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh càng khó thì các cơ quan càng cần phối hợp chặt chẽ.
Về nâng cao chất lượng vụ án hành chính, Viện trưởng cho biết, có nguyên nhân là do quy định pháp luật, song cũng chia sẻ rằng nếu phải đưa ra kiến nghị sửa đổi luật như thế nào thì bản thân Viện trưởng cũng có những phân vân.
Về các vụ việc, vụ án tòa trả hồ sơ, bên cạnh rà soát từng vụ án vụ việc, hàng năm có đánh giá việc trả hồ sơ quyết tâm chống lọt chống oan hay lạm dụng thiếu trách nhiệm để từ đó có biện pháp xử lý, ngành không bao che cán bộ. Tùy theo trường hợp trả hồ sơ để có chế tài phù hợp, Viện trưởng nêu rõ.
Về thi hành án dân sự chưa đạt yêu cầu đề ra, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thông tin, hiện có nhiều quy định bất cập, không phù hợp trong Luật Thi hành án Dân sự 2008 và các văn bản liên quan. Do đó, Viện đã chỉ đạo toàn ngành tổng kết 05 năm thi hành Luật Thi hành án Dân sự và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập của luật và các văn bản có liên quan đến kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật Thi hành án Dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan.
Trong khi thực lực thi hành án dân sự và các văn bản liên quan chưa được sửa bổ sung thì khi gặp khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật thì ngành kiểm sát đã phối hợp với liên ngành trung ương thống nhất hướng dẫn địa phương thực hiện.
Ngành cũng tăng cường việc nghiên cứu, ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn quy trình cũng như kỹ năng kiểm sát, thi hành án dân sự như là việc kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản, thi hành án, kiểm sát việc quản lý, thu chi tiền thi hành án…. Nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ cũng như sổ nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hoàn thiện phần mềm quản lý công tác kiểm sát thi hành án dân sự.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh, mọi nguyên nhân đều từ cán bộ, càng những khâu yếu càng cần phải tăng cường cán bộ có kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm để thực hiện và đặc biệt là phải có bản lĩnh.
Minh An (T/h)