Theo đó, kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả, hoàn thiện, đồng bộ các nội dung Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác phát triển ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đối với sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Từ đó, phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP.
Mục tiêu, năm 2023, các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu có 133 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, cụ thể: TP. Trà Vinh và huyện Duyên Hải, mỗi đơn vị đạt 15 sản phẩm; Tiểu Cần và thị xã Duyên Hải, mỗi đơn vị đạt 11 sản phẩm; Châu Thành 23 sản phẩm, Cầu Kè 13 sản phẩm, Trà Cú 18 sản phẩm, Cầu Ngang 24 sản phẩm, Càng Long 3 sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ nâng cao, nâng chất, quản trị, phát triển cho các cơ sở sản xuất cũng như phát triển các sản phẩm OCOP, tăng cường chuyển đổi số và xây dựng ít nhất 10 nhãn hiệu sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và quảng bá các sản phẩm OCOP thường xuyên, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân dân bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và xây dựng các phóng sự, chuyên mục và các bài viết tuyên truyền về sản phẩm OCOP trên đài phát thanh, truyền hình.
Đồng thời, cần phải chỉ đạo hướng dẫn, tập trung tiêu chuẩn hóa, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản có triển vọng, chất lượng và có khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học, đổi mới và hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất,... hình thành các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng, đặc sản có giá trị, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện các chính sách liên quan đến chương trình hỗ trợ các cơ sở tham gia chương trình, hỗ trợ sản xuất sản phẩm OCOP và chi phí thuê, xây dựng các cửa hàng OCOP, mua máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP.
Ngoài ra, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng hồ sơ, đánh giá sản phẩm và thực thiện tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 2 lần/năm: Đối với cấp huyện đợt 1 hoàn thành trong tháng 5, đợt 2 trong tháng 9; cấp tỉnh đợt 1 hoàn thành trong tháng 6, đợt 2 trong tháng 10.
PV