Trách nhiệm xã hội có vai trò thế nào đối với DN trong khẳng định thương hiệu và phát triển bền vững? Phóng viên Thương hiệu & Công luận đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Trách nhiệm xã hội của DN là khái niệm đã trở nên quen thuộc. Yếu tố này có vai trò thế nào trong hoạt động của DN, thưa ông?
Trước hết phải nói rằng, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN đang trở thành một xu thế của thế giới, của mọi nền kinh tế. Yêu cầu thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ là yêu cầu có tính chất đạo đức, mà còn được đảm bảo bằng những quy định của hệ thống pháp luật và được quy định trong các hợp đồng mua bán quốc tế lớn.
Chúng ta đều biết, để thực hiện được hợp đồng xuất khẩu đối với các đối tác lớn, đối với các thị trường phát triển, bao giờ cũng kèm theo việc DN phải thực hiện được tiêu chuẩn xã hội quy định. Chính vì vậy, việc thực hiện trách nhiệm xã hội đang là một xu hướng, cũng là một điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo suy nghĩ của ông, DN Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm xã hội ở mức độ như thế nào?
Hiện nay, các DN Việt Nam phần lớn đều đã thực hiện trách nhiệm xã hội ở những mức độ khác nhau. Yêu cầu căn bản chính là việc đồng thời tiến hành kinh doanh để tạo ra lợi nhuận, các DN không làm ảnh hưởng đến môi trường, phải thực hiện tốt quyền lợi và đảm bảo cơ hội phát triển cho người lao động. DN cũng phải tham gia tích cực vào phát triển cộng đồng, các hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội - cần phải hiểu trước hết ở việc thực hiện tốt pháp luật về lao động, đảm bảo về tiền lương, các điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phải có biện pháp thích đáng xử lý chất thải, bảo vệ môi trường…
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc thực hiện trách nhiệm xã hội có phải thực sự cần thiết đối với DN?
Nếu quan niệm trách nhiệm xã hội theo nghĩa hẹp khi tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện thì nhiều người nói rằng: Phú quý sinh lễ nghĩa. Nghĩa là, kinh doanh có lãi lớn mới thực hiện các việc này. Trên thực tế, chúng ta hiểu trách nhiệm xã hội theo nghĩa rộng, bao gồm cả DN, môi trường và xã hội.
Đầu tư thực hiện trách nhiệm xã hội phải trở thành một khoản đầu tư quan trọng trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của bất kỳ DN nào. Đầu tư đó không phải là một việc DN muốn làm cũng được mà không làm cũng được, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Càng không phải là đầu tư có tính chất trang trí, tạo nên hình ảnh DN mà đó là hoạt động đầu tư mang lại lợi ích, sự phát triển bền vững cho chính DN đó.
Như vậy, trách nhiệm xã hội cũng có thể hiểu là một trong những yếu tố quan trọng giúp DN thành công, thưa ông?
Thứ nhất, trách nhiệm xã hội đòi hỏi nếu đảm bảo tốt công ăn việc làm, tạo cơ hội cho người lao động, họ sẽ gắn kết, cống hiến trí tuệ và sức lực cho DN. Thứ hai, nếu quan tâm đến đầu tư bảo vệ môi trường, sẽ góp phần xây dựng thương hiệu. Đồng nghĩa, DN đó sẽ có thị trường bền vững.
Không ngẫu nhiên mà quốc tế đã quy định đối với DN: muốn có được lợi nhuận phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội. Đây cũng là yêu cầu rất cấp bách của nền kinh tế Việt Nam. Càng trong khó khăn, càng phải quan tâm đến trách nhiệm xã hội và coi giải quyết tốt, đầu tư tốt cho ở quy mô hợp lý sẽ là yếu tố giúp DN vượt khó.
Theo ông, người lãnh đạo DN cần phải thể hiện vai trò như thế nào trong thực hiện trách nhiệm xã hội?
Trước hết phải nói rằng, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN có tốt hay không xuất phát từ nhận thức cá nhân, từ cam kết của người lãnh đạo DN. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, người lãnh đạo có thể có chiến lược, có chương trình bố trí các nguồn lực và có kế hoạch thực hiện các trách nhiệm xã hội.
Đây là yếu tố có tính chất quyết định sự thành công và phát triển bền vững của DN. Đầu tư về công nghệ, về sản phẩm là rất cần thiết, nhưng đầu tư thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ mang lại tác động lớn đối với DN. Sẽ là không quá khi khẳng định rằng, trách nhiệm xã hội có ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, thương hiệu của DN.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thu (Thực hiện)