Đất nông nghiệp được phân lô, rao bán rầm rộ
Vừa qua, Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của bạn đọc về việc trên địa bàn ấp Hòa Bình (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện rất nhiều nhân viên Công ty TNHH Tư vấn Địa ốc Đồng Tâm (Công ty Địa ốc Đồng Tâm), có địa chỉ tại Đường Bờ Hồ, KP 4, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đang tổ chức phân lô bán nền, có nhiều dấu hiệu trái quy định tại nhiều thửa đất nông nghiệp trên địa bàn.
Để làm rõ phản ánh nêu trên, ngày 20/3/2021, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã có mặt tại khu vực nói trên. Ghi nhận thực tế cho thấy, hàng trăm nghìn m2 đất trồng cây và trồng rừng có xen kẽ với những thửa đất đã được san ủi, dọn sạch mặt bằng, xung quanh được đóng cọc bê tông kiên cố bao quanh.
Ngay tại những thửa đất đã được san ủi, xuất hiện nhiều đối tượng tự nhận là nhân viên của Công ty Địa ốc Đồng Tâm đang giới thiệu, tư vấn phân lô bán nền cho khách hàng.
Trong vai người đang có nhu cầu tìm mua đất, phóng viên được một nhân viên tên H. tư vấn: “Đây là đất đồng sở hữu, có vị trí “đắc địa”, nằm giữa các khu công nghiệp lớn như: Bầu Xéo, Hưng Thịnh, Giang Điền… Cả khu đất này có 7 sổ, mỗi sổ hơn 1000m2. Mỗi một sổ lại được chia ra khoảng 10 nền, mỗi một nền khoảng 100m2. Giá trung bình mỗi sổ hơn 1.000m2 được bán với giá từ 1,8 đến 1,9 tỷ đồng. Còn với những nền từ 100 – 120m2 được bán với giá 180 triệu – 340 triệu/nền, tùy vị trí…”.
Ngoài ra, nhân viên H cũng không quên giới thiệu thêm các thửa đất Sào (1000m2) xung quanh khu vực này…
Cũng tại đây, theo quan sát của phóng viên, những người “xuống tiền” đặt cọc mua đất sẽ nhận được một tờ giấy với tên gọi Hợp đồng nhận tiền chuyển nhượng QSD đất, thể hiện nội dung bên đặt cọc (Bên A) và bên nhận cọc (bên B), thỏa thuận về việc mua bán, chuyển nhượng đất.
Tuy nhiên, điều đáng nói là Hợp đồng nhận tiền chuyển nhượng QSD đất này chỉ có các cá nhân ký tên và lăn dấu vân tay. Chứ không phải là đại diện một doanh nghiệp, hay công ty ký với người mua, không hề có dấu đỏ, và phần người làm chứng cũng bị để trống…
Việc ký kết Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất nêu trên là thiếu tính pháp lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua. Bởi, cách đây 2 năm, Công ty địa ốc Alibaba đã có một “cú lừa” lớn, làm chấn động thị trường BĐS Đồng Nai và một số tỉnh lân cận, cũng từ việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, lừa đảo hơn 6.700 khách hàng.
Cho đến nay, nhiều khách hàng vẫn đang rơi vào cảnh lao đao vì vụ việc này.
Chính quyền địa phương có buông lỏng công tác quản lý?
Liên quan đến vụ việc nêu trên, tại công văn gửi tới Thương hiệu & Công luận, UBND xã Trung Hòa cho biết: “Các thửa đất trên được tách từ thửa đất số 39 tờ bản đồ số 27 xã Trung Hòa nay được tách thành các thửa 102, 101, 100 …có mục đích sử dụng đất là đất trồng cây hàng năm khác, quy hoạch sử dụng đất là đất trồng cây hàng năm nên không chuyển mục đích được sang đất ở tại nông thôn, chỉ sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp”.
Đặc biệt, UBND xã Trung Hòa nhấn mạnh, thửa đất trên hiện là đất trống. Việc tách thửa chuyển nhượng hiện nay không qua UBND xã, nên UBND xã khó kiểm soát.
Đối với các thửa đất trên, việc bán đất diễn ra không rao bán tại địa phương và tại thửa đất, mà đăng bán trên các trang mạng như Zalo, Facebook,… việc giao dịch cũng do các bên tự thỏa thuận ngầm với nhau không thông qua địa phương nên khó kiểm soát được.
Khi được hỏi về chủ của những thửa đất đang được phân lô, rao bán này, thì UBND xã cho biết, không nắm bắt được, với lý do: “Phần mềm quản lý đất đai phục vụ khai thác thông tin địa chính thửa đất trên địa bàn xã đang bị tạm khóa, UBND xã không trích xuất dữ liệu địa chính”.
Liên quan đến việc rao bán, đặt cọc giữa các bên (với số tiền từ 20 triệu trở lên), khi chưa có sổ riêng, không có công chứng, bên thứ 3, cũng như xác nhận của chính quyền, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, lừa đảo…, UBND xã Trung Hòa cho hay: Việc cấp giấy CNQSDĐ sau khi tách thửa là thuộc cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, nên UBND xã chưa xác định là thửa đất đã được cấp giấy hay chưa?.
Có thể thấy, sự việc mua bán diễn ra sôi động ngay trên chính địa bàn xã quản lý, nhưng chính quyền xã Trung Hòa lại trả lời rằng khó kiểm soát, không nắm được?, liệu trong các câu trả lời này có sự mâu thuẫn? Hay do các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho các đối tượng hợp thức hóa sai phạm?
Thời gian vừa qua, đã có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM cũng như Đồng Nai, Bình Dương liên tục bị bắt, khởi tố vì lừa đảo, rao bán dự án “ma”. Tuy nhiên, tình trạng này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.
Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng nhan nhản dự án "ma”, là do việc quản lý lỏng lẻo. Nhiều đối tượng tự ý làm hạ tầng đường, vỉa hè, phân lô trên đất nông nghiệp mà không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, nhưng chính quyền địa phương không xử phạt, không áp dụng biện pháp trả lại hiện trạng ban đầu theo quy định Luật đất đai.
Trước thực trạng nêu trên, để bảo đảm sự nghiêm minh của luật pháp, ngăn chặn những hoạt động phân lô, bán nền trái phép, phát sinh những rủi ro, tranh chấp, hành vi lừa đảo…, đề nghị tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom và các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Vũ Lê – Nguyễn Tùng