Liên quan tới vụ truy thu thuế của Unilever, tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại Nghị trường Quốc hội diễn ra sáng nay (24/5/2019), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhắc tới nội dung về "nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước."

Báo cáo có nhắc tới quy định, trong quá trình thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nếu phát sinh trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Tranh luận vụ truy thu thuế Unilever làm 'nóng' nghị trường Quốc hội - Hình 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng (trái) và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình thực hiện kết luận kiểm toán, thanh tra để ra quyết định thu thuế phát sinh nhiều trường hợp khiếu kiện, khiếu nại.

"Nhiều người chấp hành tốt nhưng có trường hợp người ta kiện ra tòa, họ kiện quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế chứ không phải của Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Chính phủ," Bộ trưởng nói.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính có nhắc lại vụ việc xảy ra tại Unilever. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đưa ra số truy thu thuế ban đầu là hơn 870 tỷ đồng, lần 2 điều chỉnh xuống là hơn 500 tỷ đồng, lần 3 hơn 300 tỷ đồng. "Nếu cơ quan thuế truy thu hơn 870 tỷ đồng thì phía bị kiện chính là cơ quan thuế", ông Dũng nói.

Không đồng tình với quan điểm của lãnh đạo ngành tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giơ biển tranh luận. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, với vụ Unilever, Thanh tra Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra và kiến nghị truy thu 383 tỷ đồng. Phía Unilever cũng đã nộp số tiền trên.

"Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm tra lại và kiến nghị truy thu 882 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu đoàn thanh tra của Cục Thuế TP.HCM giải trình tại sao thu 383 tỷ đồng. Sau đó, đoàn thanh tra của cục thuế đã giải trình do căn cứ vào số liệu doanh nghiệp tự tính toán, chưa kiểm tra, rà soát các hồ sơ tài liệu liên quan. Như vậy, thanh tra thuế làm không đúng", ông Phớc phản bác.

Thông tin thêm, ông Phớc cho biết, Unilever có khiếu nại và cung cấp thêm hồ sơ mở rộng vụ việc. Đây là những hồ sơ chưa được giám định nhưng nếu căn cứ vào các tài liệu này, thì số truy thu là 575 tỷ đồng.

Cách đây đúng nửa năm, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi tháng 11/2018, 2 tư lệnh ngành cũng từng tranh cãi về nội dung tương tự.

Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính cho hay, trong quá trình triển khai có những kết luận, cơ quan thuế chấp hành rất nghiêm túc, thông báo cho người nộp thuế nộp thêm nhưng người nộp thuế họ thấy là chưa thỏa đáng, họ kiện. Trong hoàn cảnh này, Bộ trưởng đề nghị, khi bị doanh nghiệp kiện: "Ai kết luận thì người đó phải chịu trách nhiệm giải trình trước tòa".

Trong khi đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: "Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng kiểm toán thực hiện đối chiếu sai nên các đối tượng nộp thuế kiện, liên luỵ đến cơ quan thuế. Tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên luỵ đến cơ quan thuế”.

PV