THCL - Nhằm gây sức ép với chính phủ Hàn Quốc về việc đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ THAAD, Trung Quốc bắt đầu thực hiện hành động cụ thể.

Hành động của Trung Quốc

Hôm 8/2, vị đại diện của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cho biết tập đoàn này đã bị chính quyền Trung Quốc buộc phải đình chỉ dự án công viên giải trí tại Bắc Kinh, giữa lúc căng thẳng gia tăng do việc Seoul đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống đánh chặn THAAD tại nước mình.

Dự án trên nằm trong đại dự án khu phức hợp rộng 160.000 m2 trị giá 2,6 tỷ USD của Lotte, bao gồm 1 công viên giải trí, các trung tâm mua sắm và 1 khách sạn tại thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc).

Vị đại diện của Lotte khẳng định tập đoàn này đã bị buộc phải công trình ngừng xây dựng vào tháng 11/2016 sau khi nhà chức trách Trung Quốc không đồng ý với một số biện pháp đảm bảo an toàn của tập đoàn này.

 

Triển khai THAAD ở Hàn Quốc nhằm vào “ai”? - Hình 1

Tầm đánh chặn của THAAD.

Hồi tháng 10/2016, Chính phủ Hàn Quốc đã chọn sân golf của Lotte tại Seongju, thuộc khu vực phía Đông Nam của Hàn Quốc, làm nơi bố trí THAAD và đề nghị tập đoàn này đổi địa điểm này lấy một mảnh đất nằm ngay phía Đông của thủ đô Seoul.

Tuy nhiên, Lotte đã không đạt được thỏa thuận với Chính phủ Hàn Quốc về địa điểm triển khai THAAD này. Theo nhận định của một số chuyên gia, do Lotte có những lợi ích kinh doanh đáng kể tại Trung Quốc và vì vậy, rất khó để thỏa thuận đổi đất này trở thành hiện thực.

Công cụ của Nga

Mục tiêu tối đa của Trung Quốc ở giai đoạn này là hủy bỏ quyết định bố trí THAAD, còn tối thiểu là hoãn việc triển khai, đưa ra các điều kiện bổ sung, loại trừ khả năng tiếp tục tăng cường các lực lượng phòng thủ tên lửa. Khác với Trung Quốc, tiềm lực hạt nhân chiến lược của Nga không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc.

Các căn cứ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa của Nga đều nằm cách xa Hàn Quốc và Nga sẽ không chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung, loại mục tiêu chủ yếu của THAAD. Song về nguyên tắc, Nga phản đối việc Mỹ dịch hệ thống này đến gần biên giới của mình và sẽ đứng cùng phe với Trung Quốc vì những mục tiêu chính trị chung.

Câu trả lời quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc đối với THAAD, nếu có, sẽ phụ thuộc vào thành công của chiến dịch gây sức ép lên Seoul mà Bắc Kinh và Moskva sẽ tiến hành trong những tháng tới đây.

Từ năm 2016, Nga và Trung Quốc đã tiến hành tập trận chung lần đầu tiên (mô phỏng trên máy tính) hoạt động của hệ thống và những cuộc tập trận này sẽ được lặp lại trong năm 2017.

Như vậy, phương án đáp trả khả thi có thể là Nga-Trung gia tăng hoạt động trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa và mở rộng từ phòng thủ tên lửa tại khu vực chiến sự sang phòng thủ tên lửa chiến lược. Có nhiều khả năng hai nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa và tiêu diệt các mục tiêu then chốt của đối phương.

Tờ Expert.ru cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tại lãnh thổ Hàn Quốc đã biến nước này thành "con tin" cho bất kỳ khủng hoảng quân sự nào giữa Trung Quốc và Mỹ, kể cả nếu khởi nguồn của cuộc khủng hoảng đó có ở cách bán đảo đến hàng nghìn km.

Đan Nguyên - Baodatviet