Theo quy định mới, công dân từ đủ 14 tuổi có quyền được làm hộ chiếu phổ thông hoặc hộ chiếu gắn chip điện tử. Hộ chiếu có giá trị sử dụng trong 10 năm.

Hộ chiếu gắn chíp đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả
Hộ chiếu gắn chíp đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả

Về bố cục hộ chiếu, trang bìa của hộ chiếu in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu. Hộ chiếu gắn chip được in thêm biểu tượng chip điện tử. Chip này được gắn trong bìa sau của hộ chiếu. Bìa hộ chiếu là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao. Hộ chiếu giữ nguyên kích thước theo tiêu chuẩn ISO 7810. Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam kết hợp cùng họa tiết trống đồng. Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu gồm tiếng Việt và tiếng Anh. Số trang trong cuốn hộ chiếu không kể trang bìa: 48 trang đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm; 12 trang đối với hộ chiếu phổ thông có thời hạn không quá 12 tháng.

Thông tư mới cũng quy định hộ chiếu ngoại giao có trang bìa màu nâu đỏ; hộ chiếu công vụ có trang bìa màu xanh lá cây đậm. Còn trang bìa của hộ chiếu phổ thông màu xanh tím.

Đối với hộ chiếu gắn chip, Bộ Công an khẳng định chip có độ bảo mật cao, khó làm giả. Chip điện tử lưu thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Chip có thể lưu trữ đặc điểm sinh trắc học, ảnh hay thông tin cá nhân của công dân.

Theo Bộ Công an, việc sử dụng hộ chiếu gắn chip tạo nhiều thuận lợi hơn cho người dân khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu của Việt Nam và nhiều quốc gia.

Người có nhu cầu cấp hộ chiếu phổ thông hoặc loại gắn chip có thể đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để xin cấp.

Khi làm thủ tục, người dân cần chuẩn bị ảnh chân dung, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và giấy tờ chứng minh thường trú, tạm trú. Lệ phí cấp mới hộ chiếu là 200.000 đồng. Còn cấp lại hộ chiếu do hư hỏng hoặc mất là 400.000 đồng.

Minh Đức