Kinh tế tư nhân có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc phát triển kinh tế tư nhân được thể hiện tại các văn kiện, nghị quyết, luật của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong suốt gần 40 năm qua. Nhờ đó, kinh tế tư nhân (KTTN) liên tục phát triển, khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Đến nay, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; KTTN chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP; giai đoạn 2017-2024, khu vực KTTN sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế; năm 2024 đóng góp 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Đặc biệt, KTTN là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, KTTN là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.
Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên nhân được chỉ ra là do thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển KTTN; thủ tục hành chính còn vướng mắc; một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi chưa được bãi bỏ, sửa đổi kịp thời; năng lực nội tại của KTTN còn hạn chế, nhất là về vốn, quản trị, ứng dụng KHCN, chuyển đổi số; tư duy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức còn mang nặng tính “xin – cho”; còn tình trạng thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiếp tay cho tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí…
Thực hiện hiệu quả, phương châm “6 rõ”
Thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 nhằm cụ thể hoá, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, với phương châm tập trung thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết định, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; phân công nhiệm vụ phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện với tinh thần “6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với thời hạn, kết quả cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững.
Trong đó, xác định 5 nhiệm vụ thực hiện đổi mới tư duy, nhận thức và hành động về phát triển kinh tế tư nhân; 50 nhóm nhiệm vụ về cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm thực thi hợp đồng, gồm các nhiệm vụ về rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 11 luật; thay đổi tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”, nghiêm cấm lạm dụng cơ chế “xin - cho”.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68 cũng chỉ rõ 31 nhiệm vụ tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; 4 nhóm nhiệm vụ về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong kinh tế tư nhân; 6 nhóm nhiệm vụ về tăng cường kết nối giữa các loại hình doanh nghiệp; 7 nhiệm vụ về hình thành, phát triển các doanh nghiệp vừa và lớn, trong đó xây dựng, triển khai Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...; 5 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; 12 nhiệm vụ về đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nhân.

Được biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/ QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, để cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết của Quốc hội quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với kinh tế tư nhân; nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh; phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, dân sự theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW; quy định cụ thể về gải quyết phá sản doanh nghiệp; rút ngắn tối thiểu 30% về thời gian, đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải quyết so với thủ tục thông thường…
Để hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, Nghị quyết giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về tiêu chí, mức, hình thức hỗ trợ, trình tự, thủ tục đối với từng loại tài sản và công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương... Nghị quyết cũng quy định về hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, trong đó Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG); hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; các trường hợp miễn giảm thuế, phí, lệ phí; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định về việc gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa sử dụng ngân sách nhà nước không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị quyết của Quốc hội quy định chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, trong đó, doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; được trừ 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; bố trí ngân sách nhà nước để đào tạo, bồi dưỡng 10 nghìn giám đốc điều hành đến năm 2030...
Nghị quyết quy định cụ thể hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong như: đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu...
Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngày 17/5/2025 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 thì cũng trong ngày 17/5/2025, Chính phủ Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.
Nghị quyết 68 như “nắng hạn gặp mưa rào” đối với doanh nghiệp
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị (sáng 18/5), được sự khuyến khích của Thủ tướng, doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Geleximco là người đầu tiên đứng lên trong tiếng vỗ tay của cả hội trường.
Chia sẻ cảm nhận về Nghị quyết 68, ông Tiền cho rằng việc Nghị quyết xác định “KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia” là sự thay đổi mang tính chiến lược, đột phá, với tầm nhìn bao trùm, nhận định đúng về vị trí, vai trò của KTTN, xóa bỏ triệt để quan điểm, nhận thức, thái độ định kiến về KTTN.
“Chúng tôi khẳng định đây là một cuộc cách mạng toàn diện về việc giải phóng lực lượng sản xuất”, ông Vũ Văn Tiền nêu.
Về kiến nghị, Chủ tịch Geleximco cho biết, báo cáo được Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra tất cả các vướng mắc về cơ chế, chính sách, cụ thể hóa các vấn đề doanh nghiệp trăn trở. Chính vì vậy, ông Tiền cho rằng Nghị quyết 68 như “nắng hạn gặp mưa rào” cho doanh nghiệp mà nhiều năm nay doanh nghiệp tư nhân mong mỏi.
“Doanh nghiệp nhiều lúc bị bó tay, bó chân nay đã được Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị tháo gỡ khó khăn cho chúng tôi”, ông Vũ Văn Tiền nói và kêu gọi mọi người hưởng ứng.
Về vấn đề thực thi, ông Vũ Văn Tiền kiến nghị nên có một bộ phận hoặc một tổ chức giám sát.
“Cần có cơ quan độc lập để đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tuân thủ, chỉ số chấp hành thực thi và hiệu quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương và cũng là kênh tiếp nhận những vấn đề phản ánh của doanh nghiệp, người dân đến được với Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ”, ông Tiền nêu rõ.

Cũng nhận định về Nghị quyết 68, ông Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển KTTN vừa được thông qua, không chỉ tháo gỡ những “điểm nghẽn” đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân mà còn tạo “đòn bẩy” mới, đưa khu vực KTTN trở thành trụ cột phát triển quốc gia.
Theo ông Diệp, với chính sách đồng bộ, cởi mở và thực tiễn, Đảng, Nhà nước đang khẳng định quyết tâm nâng tầm khu vực tư nhân, hướng đến một nền kinh tế năng động, sáng tạo và bền vững. Cụ thể, trong lĩnh vực khoa học – công nghệ khi có cơ chế, chính sách rõ ràng, cùng với ý tưởng mới, sáng tạo, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư, áp dụng để phát triển sản xuất rất nhanh. Khi đầu tư khoa học công nghệ không phải qua công đoạn xét thầu, đấu thầu… vì nếu chờ chọn thầu, đấu thầu thì sản xuất lạc hậu, sản phẩm không tinh, không tốt. Xét về yếu tố cạnh tranh, công nghệ có đắt hơn nhưng có thể giải quyết vấn đề sản phẩm, sản phẩm bù lại khấu hao tiền đầu tư công nghệ.
“Tổ chức doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, qua nhiều tầng nấc, trong khi doanh nghiệp tư nhân họ tự quyết. Do vậy khi doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện thì hỗ trợ họ vươn lên, phát triển. Vừa qua Tổng Bí thư nói rất rõ, khi có chính sách, cơ chế và doanh nghiệp được hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn thì họ sẽ dám làm”, ông Bùi Ngọc Diệp nói.
Ông Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons ở Bình Dương chia sẻ, Nghị quyết 68 ra đời đã tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp vào Chính phủ, Nhà nước, từ đó giúp họ tự tin đầu tư, kinh doanh và thực hiện các dự án. Nghị quyết đã tháo gỡ nhiều rào cản, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân được vinh danh và khen ngợi, thay vì gặp khó khăn như trước đây. Nghị quyết 68 đã giải quyết những thể chế là rào cản, khó khăn của doanh nghiệp. Đồng thời mở ra cơ hội để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nhiều lĩnh vực, từ đó tạo công ăn việc làm và cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ vươn lên, phát triển.
Ông Thạch cho rằng: “Đối với thể chế, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm bớt rào cản kinh doanh như chứng chỉ hành nghề và các điều kiện kinh doanh. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Một số điều kiện kinh doanh là cần thiết, nhưng cũng có những điều kiện không cần thiết. Vấn đề thủ tục pháp lý hiện nay, nhiều nơi khác nhau nhưng với nghị quyết này quy định đồng bộ trên cả nước, giúp doanh nghiệp dễ dàng đầu tư ở nhiều nơi hơn”.

Ông Cao Thanh Lương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TBS Group chia sẻ: “Trước khi có Nghị quyết 68, chúng tôi thường vướng mắc các vấn đề pháp lý. Nếu vẫn tiếp tục, chúng tôi sẽ gặp nhiều rắc rối. Do đó, khi Nghị quyết 68 đưa ra chủ trương không hình sự hóa các vấn đề trong sản xuất của khu vực tư nhân giúp chúng tôi mạnh dạn và phát triển hơn nữa”.
Ông Lương mong muốn Nghị quyết 68 sớm đi vào thực tiễn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân chủ động và bứt phá trong lĩnh vực đầu tư của mình.
“Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 giống như một chiếc "phao" đối với các doanh nghiệp tư nhân và tập đoàn kinh tế. Tôi rất phấn khởi. Từ nghị quyết này, chúng tôi mạnh dạn tập trung đầu tư mạnh hơn nữa trong các lĩnh vực mà công ty đang phát triển. Từ đó có thêm nguồn lực để đóng góp vào công tác an sinh xã hội”, ông Cao Thanh Lương nói…
Bùi Quyền