Nhiều bạn trẻ nước Pháp rất thích thú với buổi triễn lãm tranh Tứ Diện này.

Theo cách hiểu của ngành toán thì “tứ diện” được nhận thức là bốn mặt xung quanh là các tam  giác đều bằng nhau. Nhưng ở triển lãm này, “tứ diện” là cách nói hình tượng về bốn chiều không gian và thời gian xuất phát từ ý tưởng mỗi tác giả tự giới hạn cho mình 4 tấm vật liệu để sáng tạo tác phẩm.

Dễ liên tưởng về mặt từ ngữ từ tên gọi triển lãm này là những số bốn như tứ bình, tứ phương, tứ xứ, tứ quý, v.v. Gọi là tứ (bốn) tuy là số từ, nhưng ở đây nghĩa của số không còn hiển ngôn ở 4  tấm vật liệu để thể hiện tác phẩm, mà nhờ vào cảm hứng và cách thể hiện của mỗi tác giả, bốn mặt đó có thể đã mở rộng thêm hơn.

Hoạ sĩ Phan Thanh Bình với tác phẩm tranh acylic hoàn thành trong 8 tháng. Bức tranh được lấy ý tưởng từ dòng sông Hương thơ mộng chuyển hóa thành những nét vẽ uyển chuyển nhẹ nhàng.

Thế giới đối thoại của nghệ sĩ ở không gian hẹp là bốn bức tường trong “căn nhà sáng tạo” của mình; là bốn chiều kích không gian rộng xung quanh của đông, tây, nam, bắc được mở rộng bởi những chiều kích dọc - ngang; trên - dưới; qua - về. Mỗi người tự đối thoại với không gian và thời gian; các tác giả cùng đối thoại với nhau ở một giới hạn của “tứ diện” và đối thoại với người xem bằng nhiều cách.

Những tác phẩm hội họa đa dạng về chất liệu từ cơ bản như tranh acrylic, tranh sơn dầu,… cho đến kì công hơn như tranh trúc chỉ,…

Và vì thế, “tứ diện” cũng chỉ là một cách nói mang tính ước lệ về một sự thông diễn của hành trình tìm kiếm không hơn.

Điều quan trọng là, mỗi tác giả tham gia triển lãm đều mong được tác phẩm nhận được sự sẻ chia từ phía đối diện của người xem.

Như  bạn Nhung  một người đến tham quan triễn lãm chia sẻ “Những họa sĩ thực sự phối màu rất chuyên nghiệp tạo cho người xem một cảm giác thoải mái hài hòa không bị ức chế khi thưởng lãm”.

                                                                                                                      Minh Nghĩa