Chốt phiên 31/12, giá dầu Brent tương lai tăng 17 cent lên 51,8 USD/thùng, giá dầu WTI tương lai tăng 12 cent lên 48,52 USD/thùng. Kết thúc năm 2020, giá dầu Brent giảm 22% còn WTI mất 21%.

Giá dầu Brent và WTI đều lao dốc vào tháng 4/2020, khi đại dịch Covid-19 khiến chính phủ các nước phải áp lệnh phong tỏa xã hội, dẫn đến lực cầu sụp đổ. Giá hợp đồng tương lai WTI thậm chí còn có giá âm, tức người bán sẵn sàng trả thêm tiền để người mua nhận dầu.

Sau nhiều tháng mắc kẹt ở 30 – 40 USD/thùng, giá dầu bắt đầu tăng từ đầu tháng 11, kéo dài suốt 7 tuần liên tiếp nhờ lạc quan liên quan vaccine Covid-19.

Triển vọng giá dầu tuần 4 - 8/1/2021
Triển vọng giá dầu tuần 4 - 8/1/2021.

Trong hai tuần cuối năm, ngưỡng kháng cự của giá dầu Brent và WTI lần lượt là 52 USD/thùng và 48 USD/thùng vì lo ngại quá trình miễn dịch hóa cho người dân Mỹ khỏi Covid-19 có thể lâu hơn dự báo.

Tổng thống đắc cử Joe Biden, dự kiến chính thức nhậm chức vào ngày 20/1, đã phàn nàn về tiến độ tiêm phòng cho người dân của chính quyền đương nhiệm Donald Trump – chỉ khoảng 10% mức mục tiêu 20 triệu người dân Mỹ. Ông tuyên bố sẽ “dốc hết sức” để tiêm 100 triệu liều trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Thị trường năng lượng sẽ níu vào cam kết này.

Một diễn biến thị trường cần theo dõi là Anh cấp phép sử dụng khẩn cấp với vaccine Covid-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển ngay trước khi năm 2020 kết thúc. Có thể sản xuất quy mô lớn nhanh chóng, lưu trữ được tại nhiệt độ phòng thay vì lạnh sâu như vaccine của Pfizer, vaccine của AstraZeneca có thể là yếu tố thay đổi tình thế trong cuộc chiến chống Covid-19.

Một lo ngại nữa đối với nhà đầu tư dầu là sản lượng. OPEC và đồng minh, tức OPEC+, ngày 4/1 sẽ họp trực tuyến để cân nhắc tăng sản lượng toàn cầu thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 2. Hồi đầu tháng 12/2020, OPEC+ nhất trí tăng sản lượng 500.000 thùng/ngày từ tháng 1 nhưng thị trường vẫn phản ứng tích cực do mức tăng này thấp hơn dự báo tăng 1 – 2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, thị trường lần này có thể không phản ứng như vậy.

Số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho tại nước này trong tuần kết thúc ngày 25/12 giảm 6,1 triệu thùng xuống 493,5 triệu thùng. Tuy nhiên, giới giao dịch lưu ý mức tồn kho này đang cao hơn 10% so với tuần cuối của năm 2019.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 3 giàn khoan lên 351 giàn khoan, tuần tăng thứ 12 trong số 13 tuần gần đây. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 3 lên 267, số giàn khoan khí và giàn khoan dự phòng giữ nguyên ở 83 và 1.

Trúc Mai