Trong phản ứng mới nhất ngày 25-2, Triều Tiên lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cáo buộc nước này cố làm suy yếu khả năng cải thiện quan hệ liên Triều trong Thế vận hội mùa đông.
Đe dọa chiến tranh
Hãng Thông tấn Triều Tiên (KCNA) trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên: "Hai miền Triều Tiên đã hợp tác với nhau và Thế vận hội mùa đông được tổ chức thành công. Tuy nhiên, Mỹ lại mang mối đe dọa chiến tranh lên bán đảo Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt quy mô lớn mới nhằm vào Triều Tiên ngay trước lễ bế mạc".
KCNA cho rằng lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể bị xem là hành động chiến tranh. Phản ứng gay gắt này được đưa ra sau khi Mỹ hôm 23-2 tuyên bố triển khai các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Đồng thời, Tổng thống Donald Trump cũng cảnh báo về giai đoạn 2 có thể sẽ là "điều rất không may cho thế giới" nếu các bước đi này không hiệu quả. Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ trừng phạt 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân, qua đó nhằm cô lập Triều Tiên hơn nữa.
Về phần mình, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ những biện pháp trừng phạt đơn phương từ phía Mỹ, trong đó có nhắm tới một người mang hộ chiếu Đài Loan, cũng như các công ty vận tải và năng lượng ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore. Bắc Kinh cũng yêu cầu Washington ngừng những hành động "sai lầm" này để tránh làm tổn hại đến quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực liên quan. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói với hãng tin Reuters rằng Tokyo vẫn kêu gọi gia tăng áp lực tối đa đối với Bình Nhưỡng.
Một nhà máy của hãng Lockheed Martin, nơi chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ Ảnh: REUTERS
Ráo riết mua vũ khí
Theo trang Quartz, sự e ngại của Nhật Bản đối với mối đe dọa Triều Tiên và Trung Quốc lại đang "vô tình" tạo thêm công ăn việc làm cho các hãng sản xuất vũ khí Mỹ. Tokyo vừa công khai kế hoạch mua thêm ít nhất 20 máy bay tiêm kích tàng hình F-35A trong vòng 6 năm tới, nhiều khả năng là từ Tập đoàn Lockheed Martin tại Mỹ. Trước đó, Nhật cũng đã đặt hàng 42 chiếc F-35A từ hãng Lockheed Martin. Số chiến đấu cơ này sẽ thay thế các máy bay F-4 Phantom được sản xuất từ thập niên 1960. Các nhà hoạch định kế hoạch quân đội Nhật Bản cũng đang cân nhắc mua F-35B, loại máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng. Mẫu máy bay này có thể hoạt động từ các hòn đảo nhỏ ở biển Hoa Đông hay từ tàu chiến như tàu sân bay lớp Izumo.
Không chỉ Nhật Bản tin tưởng vào công nghệ quân sự Mỹ, các nước châu Âu cũng chi hàng tỉ USD mua vũ khí Mỹ trong bối cảnh gia tăng lo ngại về hành động của Nga. Việc cung cấp vũ khí cho các nước cũng là một phần nỗ lực mở rộng của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đối đầu với Nga trong khu vực. Theo đài CNN, chính quyền ông Donald Trump thông báo hôm 21-2 rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua kế hoạch bán hệ thống Patriot, bao gồm 100 tên lửa, cho Thụy Điển. Patriot có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cũng như máy bay không người lái.
Ông Magnus Nordenman, Giám đốc Sáng kiến An ninh xuyên Đại Tây Dương (Mỹ), nói với đài CNN: "Những thương vụ bán vũ khí này không chỉ là phản ứng của các nước đối với hoạt động quân sự ngày càng tăng của Nga mà còn phản ánh sự thật rằng Moscow đang hiện đại hóa không quân cũng như khả năng tấn công tầm xa".
Trước Thụy Điển, Ba Lan cũng tỏ ra quan tâm đến hệ thống tên lửa Patriot.Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt bán một hệ thống Patriot trị giá 10 tỉ USD cho Warsaw vào tháng 11-2017. Trong khi đó, quan ngại về các hoạt động quân sự của Nga ở biển Đen, Romania ký một thỏa thuận mua hệ thống Patriot từ Tập đoàn Vũ khí Raytheon (Mỹ) hồi tháng trước. Nhằm cố cải thiện khả năng quân sự, Phần Lan cũng vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn cung cấp một số vũ khí hải quân trị giá hàng trăm triệu USD trong tháng này, trong đó có tên lửa Harpoon và Sea Sparrow.
Các chuyên gia nhìn nhận tuy Phần Lan và Thụy Điển không phải là thành viên của NATO nhưng các thương vụ mua sắm thiết bị quốc phòng nêu trên sẽ giúp tăng cường mối quan hệ của họ với khối liên minh quân sự này và Mỹ.
Syria: Nơi thử nghiệm vũ khí
Các lực lượng chính phủ Syria đã tiến hành cuộc tấn công dưới mặt đất và trên không ở Đông Ghouta, chỉ vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết 2401 hôm 24-2 kêu gọi ngừng bắn 30 ngày trên toàn lãnh thổ nước này. Kênh Al Jazeera tường thuật quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đã từ nhiều hướng đánh vào khu vực gần Damascus này, do phe nổi dậy chiếm giữ, trong khi các chiến đấu cơ của Syria tiếp tục dội bom đạn xuống đây ngày thứ 8 liên tiếp.
Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), hơn 500 thường dân đã mất mạng kể từ khi chiến dịch không kích Đông Ghouta khởi động hôm 18-2. Trong khi đó, theo hãng tin RIA Novosti, dân quân người Kurd ở TP Afrin tuyên bố sẽ tuân thủ Nghị quyết 2401 nhưng cũng sẵn sàng có hành động đáp trả trong khu vực các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự từ cuối tháng 1 vừa qua. Trong bối cảnh đó, một số nguồn tin cho biết 1 ngày sau khi 2 chiếc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga đến căn cứ Hmeimim ở Tây Syria hôm 23-2, thêm 2 chiếc Su-57 nữa đã đến đây dưới sự hộ tống của chiếc Su-30SM.
Trang The Drive xác định Nga đưa Su-57 đến Syria không phải là sự kiện đáng kinh ngạc bởi đây chỉ là vấn đề thời gian. Các máy bay trên nhiều khả năng sẽ trải qua "sự đánh giá khả năng chiến đấu" - theo cách gọi của Điện Kremlin - để thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực sự và cũng nhằm giới thiệu với các khách hàng tiềm năng.
Ngoài ra, động thái trên nhiều khả năng cũng nhằm cứu vãn hợp đồng giữa New Delhi và Moscow về sản xuất phiên bản chuyên biệt Ấn Độ của Su-57. Nhà bình luận Tyler Rogoway cho rằng dư luận phải chờ xem Nga sẽ công khai hóa sự hiện diện của các máy bay Su-57 ở Syria như thế nào và liệu chúng có cố thách thức không phận do các chiến đấu cơ F-22 của Mỹ tuần tra hay không.
Đài VOA nhận định nếu Nga đã triển khai Su-57, điều đó đánh dấu sự gia tăng đáng kể hỏa lực của Moscow trong cuộc chiến có nhiều lực lượng cạnh tranh. Theo Interfax, Nga đã thử nghiệm hơn 200 loại vũ khí mới ở Syria trong suốt chiến dịch hỗ trợ ông Assad. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Vladimir Shamanov đã thừa nhận điều này hôm 22-2.
Thế nhưng, không chỉ Nga thử nghiệm vũ khí ở Syria. Đài VOA đã chỉ ra cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd đang diễn ra ở Afrin thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của ngành công nghiệp vũ khí nước này.
Chuyên gia Metin Gurcan, từng phục vụ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, xác nhận: "Có nhiều công nghệ quân sự mới. Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai máy bay không người lái vũ trang, trực thăng, đạn dược thông minh - tất cả đều đang được thử nghiệm trong thực tế hành động ở nước ngoài". Lục San
Theo Xuân Mai (Người Lao Động)