Đề án nhằm mục tiêu cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Mục tiêu cụ thể là cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức. Cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ

Tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế.

Đặc biệt, tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia.

Đề án gồm 7 nội dung cải cách gồm: Thứ nhất, giao cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Thứ hai, áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra để cắt giảm đối tượng phải kiểm tra trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ ba, đơn giản hóa trình tự, thủ tục kiểm tra ở từng phương thức kiểm tra theo trình tự kiểm tra quy định tại Luật chất lượng sản phẩm. Thứ tư, thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm tối đa lô hàng phải kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

Thứ năm, áp dụng quản lý rủi ro nâng cao tính tuân thủ, giảm chi phí xã hội. Thứ sáu, bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra. Thứ bảy, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai Mô hình mới.

Để triển khai các nội dung cải cách, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp gồm: giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý; giải pháp về nguồn lực thực hiện kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu; giải pháp hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro; giải pháp về hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; giải pháp tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan.

Theo đó, lộ trình thực hiện được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ năm 2020 đến năm 2023.

Giai đoạn này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu trong Quý IV/2020. Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong Quý II/2021 và tổ chức triển khai thực hiện Đề án; đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn II.

Giai đoạn 2: Từ năm 2023 đến năm 2026. Giai đoạn này sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các Luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.

Hoan Nguyễn