Phát huy năng lực SXKD

Sau hơn 10 năm thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - đã tạo làn sóng dùng hàng nội, thay đổi xu hướng lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng (NTD).

Theo Điều tra nghiên cứu dư luận xã hội, do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện, 92% NTD Việt được hỏi đã khẳng định rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% NTD khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt, 54% NTD khuyên người thân, bạn bè lựa chọn hàng Việt khi mua sắm.

Thời điểm dịch COVID-19, chính phủ Việt Nam đang cố gắng để hàng hóa có thể xuất khẩu ra nước ngoàiThời điểm dịch COVID-19, chính phủ Việt Nam đang cố gắng để hàng hóa có thể xuất khẩu ra nước ngoài

Nhưng trong bối cảnh mới, khi Hiệp định EVFTA và IPA được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020, khiến Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt. Hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn dẫn đến cạnh tranh với hàng trong nước, trong khi quy mô của các DN Việt nhỏ, sức cạnh tranh không cao. Đó thực sự là một thách thức lớn đối với việc thực hiện cuộc vận động thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải nhận định, cuộc vận động đi đúng hướng và đã mang lại những kết quả to lớn, hiện hữu cho DN sản xuất, cũng như  nền kinh tế đất nước.

Những kết quả đó, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức là hết sức cần thiết.

Trong năm nay, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ NTD Việt, các DN Việt ứng phó với dịch Covid-19, sau khi dịch bệnh kết thúc.

Bảo vệ hàng Việt cách nào?

Theo Tổng cục Thống Kê, Việt Nam NK nhiều nhất từ Trung Quốc, đạt mức 75,3 tỷ USD trong năm 2019, tăng 14% so 2018. Nhưng trong thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng tại nhiều quốc gia, nhiều hàng hóa của Việt Nam gặp khó khăn khi XK sang Trung Quốc.

Trong tình hình này, Việt Nam đã nhanh chóng hợp tác kinh tế với nhiều quốc gia, đẩy mạnh thị trường quốc tế, Philippines trở thành nhà NK gạo lớn nhất của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương, Cao Quốc Hưng đã đề nghị Ấn Độ tăng khối lượng NK trái cây Việt Nam (nhãn, vải, mãng cầu, thanh long…), cũng như cá nuôi và vải cho ngành dệt may trong chuyến công du Ấn Độ tháng 2 vừa qua.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương CVĐ Trần Thanh Mẫn đề nghị, CVĐ cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa trong năm 2020. Công tác tuyên truyền về CVĐ phải được đẩy mạnh, nhất là trên hệ thống báo chí cả nước với nội dung phong phú, đổi mới, hình thức hấp dẫn. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, DN và nhân dân về cuộc vận động trong bối cảnh mới.

Các DN SXKD đề cao trách nhiệm đối với NTD; chú trọng ứng dụng KH&CN, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực SXKD, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu NTD...

Trên cơ sở các kết quả đáng ghi nhận trên, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt mục tiêu, đến năm 2020, hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt cố định, bền vững;

Bên cạnh đó, cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và các DN trong SXKD...

Trang Nguyễn