Kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông
Kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hải Phòng, trong tháng 6/2024, các lực lượng Công an thành phố đã kiểm tra xử lý 9.156 trường hợp, với 2.616 trường hợp người lái xe ô tô, 5.495 người lái xe môtô, 426 người lái xe máy điện và 433 người sử dụng xe thô sơ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Lĩnh vực đường thủy nội địa đã kiểm tra, xử lý 186 trường hợp phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Qua đó, lực lượng Công an đã lập biên bản, phạt tiền theo lỗi 15,7 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 1.360 trường hợp; tạm giữ 52 xe ô tô, 2.539 xe mô tô, 149 xe máy điện và 213 xe thô sơ.

Trong đó, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, lực lượng Công an đã kiểm tra, phát hiện 2.464 trường hợp (gồm 38 người lái xe ô tô, 2.180 người lái xe mô tô, 35 người lái xe máy điện và 211 người lái xe thô sơ) vi phạm. Tổng số tiền phạt theo lỗi 9,77 tỷ đồng. Các đội, trạm trực thuộc Phòng CSGT đã kiểm tra, phát hiện xử lý 755 trường hợp, phạt tiền theo lỗi là 3,11 tỷ đồng.

Nồng độ cồn là một chỉ số đo lượng cồn có trong các loại đồ uống như rượu, bia. Trong lĩnh vực giao thông, nồng đồ cồn là phần trăm lượng cồn (ethyl hoặc ethanol) có trong máu của một người hoặc là trong hơi thở của một người. Nồng độ cồn trong máu được ký hiệu là BAC (tiếng Anh là Blood Alcohol Concentration). BAC 0,01% có nghĩa là có 0,01 gram rượu trong 100 ml máu.

Do đó, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải duy trì mức nồng độ cồn không vượt quá một giới hạn cố định; vi phạm quy định này có thể dẫn đến xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Hiện hành, khi tham gia giao thông mà người điều khiển phương tiện giao thông (xe máy, xe ô tô, xe đạp hoặc các loại xe tương tự khác) có các mức nồng độ cồn như sau thì sẽ bị xử phạt vi phạm giao thông. Mức 1, chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Mức 2, vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Mức 3, vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Theo lý thuyết, nếu người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong người chưa chạm ngưỡng ở mức thấp nhất (Mức 1) thì sẽ không bị phạt.

Tuy nhiên, theo khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, được sửa bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, người tham gia giao thông bị nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Bên cạnh đó, tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng đã quy định xử phạt đối với các hành vi liên quan đến điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở dù ít hay nhiều, bất kể là bao nhiêu đều là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

Căn cứ quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì: Mức phạt tiền cao nhất đối với người lái xe máy tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn là 8 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến tối đa 24 tháng, tương ứng với mức nồng độ cồn vi phạm vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Mức phạt tiền cao nhất đối với người lái xe ô tô tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn là 40 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến tối đa 24 tháng, tương ứng với mức nồng độ cồn vi phạm vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài bị phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thì người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Quỳnh Nga(t/h)