Liên tiếp trúng các gói thầu với quy mô lớn
Được biết, dù dòng tiền kinh doanh liên tiếp âm nhưng trong những tháng đầu năm 2023, nhưng FECON lại liên tiếp trúng nhiều gói thầu “khủng”.
Cụ thể, tháng 2/2023, FECON được giao gói thầu “Cung cấp, thi công cọc đại trà và thí nghiệm cọc” tại Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 với tổng giá trị hợp đồng đạt 179 tỷ đồng. Trước đó ít ngày, doanh nghiệp này được nhận gói thầu “Thi công tường vây phía nam nhà ga 11” trị giá 62 tỷ đồng thuộc Dự án Tuyến đường sắt đô thị (metro line 3) thí điểm của TP. Hà Nội.
Cùng trong tháng 2/2023, FECON ghi nhận thêm một hợp đồng mới trị giá 75 tỷ đồng tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II (Hà Tĩnh): Đảm nhận thi công cọc kho than.
Trong mảng thi công hạ tầng, FECON tiếp tục trúng thầu gói “Thi công xây dựng đoạn tuyến Km91+800 – Km114+200” với giá trị 147 tỷ đồng, Dự án Thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Như vậy, tổng giá trị cộng dồn các gói thầu đã trúng trong tháng 2/2023 của FECON là 463 tỷ đồng.
Tiếp đến, trong tháng 3/2023, với vai trò liên danh phụ, FECON đã trúng gói thầu “Thi công cọc công trình Nhà ga hành khách” do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP mời thầu. Giá gói thầu là 497.165.190.839 VND, giá trúng thầu của FECON là 471.009.067.154 VND.
Mặc dù trúng hàng loạt gói thầu lớn, tuy nhiên, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, dòng tiền kinh doanh của FECON đang âm hơn 38 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư đang âm 195 tỷ và dòng tiền tài chính dương 221 tỷ sau khi đã trừ đi hơn 600 tỷ tiền chi trả nợ gốc vay.
Trước đó, năm 2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FECON ở mức âm 209,4 tỷ đồng, ở thời điểm năm 2021 là 110,4 tỷ đồng.
Dấu hỏi năng lực khi lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ âm?
Theo Báo cáo tài chính quý I/2023, FECON có doanh thu đạt 609 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính của doanh nghiệp giảm 46%, còn gần 6 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của FECON tăng 47%, lên 69 tỷ đồng (chủ yếu do chi phí lãi vay đã tăng 44%, lên hơn 66 tỷ đồng).
Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế gần 3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 6,6 tỷ đồng), tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ âm hơn 7 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 ngày 27/4 vừa qua, FECON đã thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,7% và 140% so với kết quả năm ngoái. Nhìn vào kết quả kinh doanh trong quý I/2023, FECON sẽ còn cả chặng đường dài trước khi tới đích.
Từ những con số thống kê về kết quả kinh doanh trong vài năm gần đây của FECON có thể thấy, giai đoạn 2019 - 2022, doanh thu của FECON ở mức khoảng 3.000 tỷ đồng, mức doanh thu thuần của năm 2022 cũng chỉ đạt 3.043,5 tỷ đồng, kém cả doanh thu năm 2019.
Đối với lợi nhuận sau thuế của FECON, giá trị này liên tục trượt dài qua từng năm, giảm dần từ 211 tỷ đồng trong năm 2019 xuống chỉ còn 51 tỷ đồng trong năm 2022.
Từ những số liệu nêu trên, theo nhận định của các chuyên gia, tiền thu từ hoạt động kinh doanh của FECON bị thiếu hụt và không đủ bù các khoản chi ra trong kỳ. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi thị trường vốn đang có nhiều biến động, lãi suất vay cao cùng với room tín dụng đang được điều tiết chặt chẽ sẽ khiến cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn gặp khó khăn hơn trong việc xoay trở dòng tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Điều này có thể sẽ khiến cho FECON gặp nhiều khó khăn hơn rất nhiều trong việc duy trì hoạt động tại các công trình mà mình đang quản lý. Với những khó trên, hy vọng FECON vượt qua và phát triển thương hiệu nhà thầu uy tín, bền vững.
Bùi Quyền