Ảnh minh họa
Ước tính khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4 đạt 400.000 tấn, trị giá 185 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo và giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 1,92 triệu tấn và 886 triệu USD, giảm 7,9% về khối lượng và giảm 0,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tính riêng trong 3 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 36,7% thị phần, sản lượng đạt 594.200 tấn (tăng 8,2%), giá trị đạt 257,2 triệu USD (tăng 19,1%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 3, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng mạnh nhất trong các thị trường với giá trị gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng đột biến, gấp 4,37 lần so với cùng kỳ.
Trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm,Trung Quốc mua gạo Việt gấp 7 lần về sản lượng, 8 lần về giá trị so với cùng kỳ 2019 khi đạt hơn 66.222 tấn (tương đương 37 triệu USD).
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, Trung Quốc chủ yếu mua gạo nếp từ Việt Nam chứ không phải gạo tẻ để dự trữ.
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam quý đầu tiên của năm cũng đạt 461,9 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại thị trường trong nước, giá lúa tại khu vực ĐBSCL nhìn chung có xu hướng tăng trong tháng 4/2020, đặc biệt là các loại lúa thường.
Tại một số địa phương, các thương nhân thu gom nhiều loại lúa thường để chế biến thành gạo trắng xuất khẩu và dự trữ, do đó đã khiến giá tăng lên mạnh, đặc biệt là ngay sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu vào đầu tháng 4/2020.
Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 100 đ/kg lên 5.500 đ/kg; lúa OM 5451 tăng 100 đ/kg lên mức 5.700 đ/kg; lúa OM 6976 giữ ở mức 5.600 đ/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 300 đ/kg lên mức 5.700 – 5.800 đ/kg; lúa OM 4218 tăng 500 đ/kg lên mức 6.600 – 6.800 đ/kg...
PV