Chỉ catgut bản chất là một loại chỉ tự tiêu trong 15 - 20 ngày, khi được đưa vào cơ thể bằng cách cấy trực tiếp vào huyệt châm cứu của hệ kinh lạc. Theo Tây y, chỉ catgut khi được cấy vào huyệt đạo có tác dụng tăng cường đồng hóa, giảm dị hóa, giảm nồng độ acid lactic cũng như sự phân giải acid ở các cơ kèm theo tác động làm tăng protein và hydratcarbon, góp phần tăng chuyển hóa và dinh dưỡng ở cơ.
Theo Đông y, cấy chỉ có cơ chế tác dụng như châm cứu cổ truyền, trị bệnh thông qua việc điều hòa âm dương, điều hòa chức năng lục phủ ngũ tạng, khí huyết, đả thông kinh lạc. Tuy nhiên, khác với châm cứu, phương pháp cấy chỉ vào huyệt vị có tác dụng trên huyệt trong một khoảng thời gian dài 15-20 ngày nên nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị.
Các bác sỹ TTYT Cẩm Khê thực hiện cấy chỉ điều trị cho người bệnh.
Cấy chỉ là phương pháp điều trị bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, có thể được áp dụng điều trị cho nhiều bệnh khác nhau, thậm chí nhiều bệnh cùng lúc như các bệnh về cơ, xương, khớp, cổ, vai, gáy, gối, thắt lưng, ví dụ thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm; bệnh về đau dây thần kinh tọa, liên sườn, đau dây thần kinh tay, chân, mất ngủ, đau đầu, rối loạn tiền đình, căng thẳng, liệt mặt; tê lạnh tay, chân, nói lắp; bệnh về vận động; liệt do những nguyên nhân khác nhau, bại não, các rối loạn vận động chân, tay; bệnh về đường hô hấp: như hen phế quản, viêm xoang, viêm mũi dị ứng; bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm đại tràng mạn tính; rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, lãnh cảm ở phụ nữ hoặc liệt dương, di tinh, yếu sinh lý… ở nam giới; đái dầm ở trẻ em, dị ứng, mề đay. Riêng với bệnh ung thư, cấy chỉ được xem là liệu pháp hỗ trợ điều trị, khắc phục tình trạng suy nhược, đau đớn, thiếu máu, di chứng do xạ trị, mất ngủ… sau điều trị hóa chất và phóng xạ.
BSCKI. Phạm Anh Hùng - Trưởng khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng – Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết: “Tùy theo từng nhóm bệnh, mức độ bệnh, khả năng chịu đựng và đáp ứng của người bệnh mà thời gian điều trị mỗi người khác nhau. Trung bình một liệu trình điều trị là 3 đến 5 lần cấy chỉ, mỗi lần cách nhau 10 đến 15 ngày. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như hạn chế sử dụng thuốc tây y, không phải đi lại nhiều lần, không phải nằm viện do chỉ cần điều trị ngoại trú… Ngoài ra, phương pháp này áp dụng được với nhiều đối tượng khác nhau; đặc biệt là an toàn và không gây biến chứng.”
Tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, phương pháp cấy chỉ được Trung tâm triển khai từ tháng 9/2015, đến nay đã có 1.650 lượt người bệnh được điều trị bằng phương pháp này và mang lại hiệu quả điều trị cao, tập trung vào các nhóm bệnh như: Viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, di chứng tai biên mạch máu não, đau thần kinh tọa, đau vai gáy, đau lưng, đau do thoái hóa khớp, thiểu năng tuần hoàn não, mất ngủ, hội chứng tiền đình, viêm dạ dày, đại tràng vv... Như trường hợp người bệnh Phùng Văn Phú, sinh năm 1965, ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, đến khám trong tình trạng đau lưng nhiều, được bác sỹ chẩn đoán đau dây thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm đốt sống L4-L5. Sau khi được điều trị bằng phương pháp cấy chỉ 3 lần, người bệnh cảm thấy lưng hết đau, đi lại vận động bình thường. Dự kiến người bệnh sẽ tiếp tục thực hiện đủ liệu trình cấy chỉ theo tư vấn của bác sỹ.
Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng phương pháp cấy chỉ kết hợp y học hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tây Bắc