Sau khi nhận được phản ánh từ phụ huynh trường Mầm non Hoằng Phượng về những sai phạm trong trong công tác thu chi, Báo Thương hiệu và Công luận đã phản ánh vụ việc. Ngay sau đó, Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa đã tiến hành kiểm tra, rà soát và yêu cầu nhà trường trả lại nhiều khoản tiền đã thu sai quy định.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết: “Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, phòng đã xác minh và đúng như báo chí đã phản ánh, ngay lập tức ngày 7/12, phòng GD&ĐT đã có văn bản, kết quả kiểm tra công tác thu – chi tại trường. Bước đầu, đoàn công tác đã làm việc với trường Mầm non Hoằng Phượng và phát hiện tại trường đã thu sai một số khoản trái quy định, Chúng tôi yêu cầu nhà trường phải trả lại các khoản thu sai quy định cho phụ huynh đã thu đầu năm học 2018-2019”.

Tại biên bản làm việc với Phòng GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Sinh, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoằng Phượng ghi rõ: “Hiện tại nhà trường đang thiếu giáo viên, và các cô thường vất vả hơn khi phải trông trẻ ngoài giờ, nên thông qua hội cha mẹ học sinh nhà trường đã đề nghị phụ huynh “tự nguyện” hỗ trợ tiền cho các cô giáo là 450.000đ/cháu/năm. Ngay sau khi họp phụ huynh, có một số phụ huynh chưa nhất trí và đồng thuận nhưng nhà trường vẫn tổ chức triển khai thu. Cùng với đó là khoản thu tiền quỹ lớp, nhận thấy những khoản thu đó không đúng với quy định nên đã trả lại cho phụ huynh”.

Trường Mầm non Hoằng Phượng (Thanh Hóa): Phòng GD&ĐT yêu cầu trả lại nhiều khoản thu trái quy định - Hình 1

Trường Mần non Hoằng Phượng

Trong kết luận kiểm tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường Mầm non Hoằng Phượng đã tổ chức thu 11 khoản thu năm học 2018-2019 với tổng 302 cháu, bước đầu phát hiện 02 khoản thu sai quy định như: “tự nguyện” hỗ trợ giáo viên ngoài giờ 450.000đ/cháu, tiền quỹ lớp 50.000đ/cháu. Cả hai khoản thu trên, nhà trường đã trả lại toàn bộ cho phụ huynh.

Để khắc phục tình trạng trên, Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa đã có văn bản chỉ đạo nhà trường đã và đang thu tiền hỗ trợ giáo viên từ phụ huynh học sinh phải dừng ngay. Trong trường hợp phụ huynh nào đã nộp đầy đủ thì nhà trường phải lập danh sách trả lại tiền cho phụ huynh, những phụ huynh nộp chưa đủ các khoản thu khác thì tính toán rồi trừ lùi vào các khoản khác. Nếu nhà trường cố tình không trả lại tiền cho phụ huynh thì xử lý nghiêm theo quy định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường.

Hiện tại, những phụ huynh đã nộp những khoản tiền sai quy định cho nhà trường như trên đều đã được trả lại. Phòng GD&ĐT huyện cùng UBND huyện Hoằng Hóa đang rà soát lại các khoản thu khác tại trường, sẽ chấn chỉnh việc thu – chi các khoản tiền không đúng quy định.

Trước đó, nhiều phụ huynh có con em đang học tại trường Mầm non xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) phản ánh về sự việc, dù chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, nhưng đầu năm học mới nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh và thông báo về các khoản thu, ngoài những khoản thu theo quy định của Bộ GD&ĐT thì trường thông báo thu nhiều khoản tiền trái quy định, với mức cao “bất thường”.

Cụ thể, năm học 2018 - 2019, nhà trường có 302 cháu đang theo học và đã tiến hành thu khoảng 11 khoản thu như sau: Tiền học phí 720.000đ/cháu; tiền ăn 15.000đ/ngày/cháu; tiền mua đồ chơi 450.000đ/cháu (thu tùy theo từng lớp); tiền trông trẻ ngoài giờ 450.000đ/cháu; tiền thuê giáo viên 630.000đ/cháu; tiền mua bổ sung thêm hàng năm về đồ dùng và dụng cụ để dùng chung phục vụ bán trú 230.000đ/cháu; tiền nước uống 90.000đ/cháu; quỹ lớp 50.000đ/cháu; tiền dọn vệ sinh trường, lớp 50.000đ/cháu; tiền khuyến học 70.000đ/cháu (đại diện hội cha mẹ học sinh đứng ra thu); tiền hội cha mẹ học sinh 70.000đ/cháu.

Theo phản ánh của phụ huynh, hầu hết các khoản thu này đều được cô giáo thông báo bằng miệng, không có danh sách chi tiết gửi cho từng phụ huynh để được tham khảo.

“Họp phụ huynh tôi đã kiến nghị với Ban giám hiệu nhà trường, cần công khai và minh bạch các khoản thu, nhưng bà Hiệu trưởng cứ trả lời vòng vo, tôi không hiểu rõ. Các năm học trước đây không có, nhưng tại sao năm học 2018 - 2019 lại phát sinh 2 khoản thu tiền triệu như: thu tiền để thuê giáo viên 630.000đ/cháu, khoản tiền trông trẻ ngoài giờ 450.000đ/cháu. Những khoản đó nhà trường không hề tham khảo ý kiến từ phụ huynh, mà nhà trường nói thu là thu, nói tiền trông trẻ ngoài giờ nói là tự nguyện nhưng “ép buộc” các phụ huynh chúng tôi ai cũng phải đóng. Nhưng nhà trường  vẫn thông báo tới các phụ huynh phải đón các cháu trước 16h30?” một phụ huynh có cháu đang học lớp 4 tuổi bức xúc nói.

Một phụ huynh khác cho biết: “Tổng số giáo viên tại trường có 25 cô. Nhưng nửa số giáo viên là người thân bà Nguyễn Thị Sinh, Hiệu trưởng nhà trường. Thuê giáo viên, người phục vụ đó là việc của trường, muốn thu tiền của phụ huynh để chi trả lương cho những người đó thì phải họp bàn và được sự đồng thuận của các phụ huynh chúng tôi, đằng này tự trường đưa ra rồi “ép buộc” phụ huynh chúng tôi nộp tiền để trả lương cho các cô ấy là không hợp lý”.

Qua tìm hiểu, việc phát triển thể chất, trí tuệ cho các trẻ chủ yếu thông qua các trò chơi, trong đó đồ chơi là phương tiện giáo dục trẻ hiệu quả nhất. Việc mua sắm, sử dụng những đồ chơi có tính an toàn và thẩm mỹ, nhưng những nhu cầu thiết thực này của các trẻ lại bị nhà trường bỏ qua.

Bởi theo ghi nhận thực tế khi PV có mặt tại trường Mầm non xã Hoằng Phượng, một trường Mầm non đạt chuẩn mức độ II nhưng các bé chuyền tay nhau vài món đồ chơi đã cáu bẩn, xỉn màu. Trong lớp học thì chỉ có vài bức hình vẽ ở cửa và trên tường, vài món đồ chơi xếp hình, mô hình ô tô được làm từ nhựa tái chế… ngoài sân là nhà bóng với khung sắt đã cũ kỹ hoen gỉ với những quả bóng nhựa cũ, bạc màu, méo mó. Không có nhiều đồ chơi sáng tạo với độ an toàn cao, cũng như có giá trị sử dụng lâu dài.

Câu hỏi đặt ra là với 302 em, mỗi em đóng 450.000đ thì tổng số tiền gần 136 triệu/năm sử dụng có đúng và hiệu quả? Khi thực tế lượng đồ chơi chỉ đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu của các trẻ tại trường và phải sử dụng lại những đồ chơi cũ sản xuất từ nhựa tái chế từ nhiều năm trước.

Tại buổi làm việc với PV, bà Nguyễn Thị Sinh, Hiệu trưởng trường Mần non xã Hoằng Phượng cho biết: “những khoản thu trên nhà trường có thu, thu không hề sai và thu theo CV số 1771/SGDĐT-KHTC nhưng tôi cũng không nhớ rõ là thu những khoản tiền gì, hiện tại nhà trường đang thuê 7 giáo viên hợp đồng, nên qua tính toán trường đã thu của phụ huynh là 630.000đ/cháu để trả lương cho các giáo viên đó. Riêng khoản tiền 450.000đ để mua đồ chơi cho các cháu nhà trường không thu và cũng không biết, có cô giáo nào thu hay không thì tôi không rõ”.

Khi PV đề nghị xin được tiếp cận biên bản họp phụ huynh để thể hiện tính công khai của các khoản đóng góp như trên, cũng như danh sách các khoản thu xem có trùng với các khoản thu mà phụ huynh cung cấp cho PV hay không?

Nhưng với lý do “Hiện tại nhà trường đã gửi tất những danh sách đó đến Phòng GD&ĐT huyện và UBND xã Hoằng Phượng, không còn bất cứ bản lưu nào ở trường” bà Sinh từ chối cung cấp.

Lê Nam