Ngày 14/8, Đoàn liên ngành TP. HCM gồm Sở Công thương, lực lượng cảnh sát giao thông, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thú y, lực lượng thanh niên xung phong triển khai kiểm soát heo không đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc (TXNG) tại chợ đầu mối Bình Điền.
Vườn rau sạch ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt (Ảnh: Cao Diên)
Đoàn liên ngành kiểm tra hơn chục xe, phát hiện có 16 xe chở heo, trong đó có 13 xe vi phạm, đa số xe vận chuyển heo từ tỉnh Long An. Những xe vi phạm đều niêm phong cửa xe nhưng khi cơ quan thú y kích hoạt thì không truy xuất được thông tin. Các trường hợp vi phạm cũng chỉ mới dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, đề nghị thực hiện đầy đủ việc đeo vòng… Và heo vẫn nhập chợ?
Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm tốt (Ảnh: Cao Diên)
Đầu tháng 8, Sở Công thương TP. HCM cũng đã kiểm tra việc đeo vòng, dán tem truy xuất… Kết quả, trong tổng số 8.400 con vào chợ đầu mối, chỉ có 3.351 con có thông tin (chiếm 35%), còn lại 65% hoàn toàn “rỗng”. Trong 35% này, vào đến cơ sở giết mổ, heo có nguồn gốc chỉ còn 21% với khoảng 2.000 con, 14% đã “bốc hơi” do không được giám sát và niêm phong xe.
Đối với việc TXNG rau quả đang khó khăn trong việc kiểm soát từ khâu trồng trọt đến sơ chế, in tem, dán nhãn, kiểm tra… Mỗi hệ thống siêu thị in một mã tem riêng với số liệu, mẫu mã, màu sắc, kích thước đều khác nhau. Ngay cả thời hạn sử dụng trên tem cũng phải khác, có siêu thị yêu cầu hai ngày, có nơi đòi ba ngày nên rất tốn thời gian, công sức. Chưa hết, nông dân khi làm nhật ký ruộng đồng ghi trên một phần mềm, đến khi nhập vào dữ liệu truy xuất lại làm trên một phần mềm khác rất dễ sai sót.
Hiện nay, TXNG rau quả chỉ mới triển khai ở một số siêu thị, còn các chợ truyền thống thì hầu như vắng bóng.
Nguyễn Lánh - Hải Dương