Báo chí Pháp
Các kênh truyền hình như TF1, France Info, Euronews, TV5 Monde, France 24… đều đưa tin đậm nét về cuộc mít tinh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như sự hiện diện lần đầu tiên của Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu và Quốc vụ khanh phụ trách Cựu chiến binh và Ký ức chiến tranh Patricia Mirallès tại sự kiện, được coi như dấu hiệu của “sự hòa giải”.
Với tiêu đề "70 năm Điện Biên Phủ: Việt Nam kỷ niệm với khách mời là nước Pháp", nhật báo Le Figaro ngày 7/5 đã mô tả chi tiết lễ mít tinh trọng thể với sự hiện diện của Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu và Quốc vụ khanh phụ trách Cựu chiến binh và Ký ức chiến tranh Patricia Mirallès, coi đây là minh chứng cho sự hòa giải đang diễn ra. Tờ báo nhận định mối quan hệ giữa hai nước, từng có chiến tranh, giờ đây rất thân thiện.
Nhân 70 năm ngày quân đội Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ, tạp chí Le Nouvel Obs đã ra số đặc biệt đặc biệt nhìn lại lịch sử của cuộc chiến tranh Đông Dương.
Với tựa đề "Điện Biên Phủ 70 năm nhìn lại", Tạp chí Quốc phòng của Pháp phân tích hệ quả của cuộc chiến này đối với chính sách thuộc địa và quân sự của Pháp. Theo báo này, sự thất thủ của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ đã đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Hiệp định Geneva... 70 năm sau, sự hiện diện tại các buổi lễ tại Việt Nam của Bộ trưởng Quân đội Sébastien Lecornu là biểu tượng mạnh mẽ, đánh dấu khát vọng xây dựng mối quan hệ mới, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Báo l'Humanité coi Điện Biên Phủ là bước quan trọng trong quá trình phi thực dân hóa. Theo báo này, Điện Biên Phủ là biểu tượng của sự giải phóng ách áp bức của chế độ thực dân, giành lại độc lập dân tộc.
Truyền thông Uruguay đưa tin đậm nét về Chiến thắng Điện Biên Phủ
Ngày 7/5, tờ Grupo R Multimedio của Uruguay đã đăng chùm 3 bài viết nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó khẳng định chiến thắng là mốc son vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Tờ Grupo R Multimedio nhắc lại bối cảnh dẫn tới việc Pháp xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ với sự hậu thuẫn của Mỹ, quá trình chuẩn bị và quyết tâm đánh thắng địch của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam, cũng như diễn biến của 56 ngày đêm quân và dân ta “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, vượt mọi khó khăn, hy sinh, gian khổ để đập tan cứ điểm chiến lược đặt tại trung tâm thung lũng Mường Thanh, được quân đội thực dân Pháp coi là “bất khả chiến bại”, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam áp dụng chiến thuật nghi binh, mở những con đường lớn quanh núi rừng Điện Biên Phủ, xây dựng công sự kiên cố hơn, đào hào tiến gần đến các căn cứ của Pháp. Lương thực, vũ khí và nhu yếu phẩm đã được tiếp viện đến mặt trận để chuẩn bị cho cuộc tấn công.
Tờ báo trích lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Tờ Grupo R Multimedio cũng khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc Việt Nam anh hùng, thể hiện sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, đồng thời minh chứng cho sự lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc chính quyền thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve năm 1954, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tờ Grupo R Multimedio đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ góp phần đánh đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên thế giới, mà còn là chỗ dựa vững chắc, là tấm gương sáng để các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột và ách thống trị của thực dân ở nhiều nơi trên thế giới, góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh vì nền độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại.
Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng tỏ một chân lý rằng, một dân tộc nửa thuộc địa, nửa phong kiến, đất đai không rộng, dân số không đông, kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, lực lượng quân sự nhỏ, phương tiện vũ khí ít ỏi nhưng nếu có sự đoàn kết vững chắc, có sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, biết huy động và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân để tiến hành chiến tranh nhân dân, có thể đánh thắng kẻ thù xâm lược có nền tảng kinh tế và quân sự mạnh hơn và hiện đại hơn rất nhiều lần.
Sau 70 năm, tinh thần quật cường của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam bởi ý nghĩa và tầm vóc to lớn của sự kiện này.
Theo TTXVN