THCL Tự do báo chí, đó là một trong các quyền cơ bản của con người trong một xã hội phát triển. Nhưng tự do báo chí như thế nào lại là vấn đề cần đề cập một cách cụ thể, căn cứ vào sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi quốc gia và hệ thống luật pháp của quốc gia ấy, cùng với những tiêu chí của nền văn hóa mà trực tiếp là đạo đức. Bài viết của TS Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đăng trên báo Nhân Dân, sẽ đề cập, góp phần làm sáng tỏ vấn đề này.
Hơn 150 năm trước, nhà triết học người Anh John Stuart Mill cho ra đời một tác phẩm nổi tiếng về tự do, đó là cuốn Bàn về tự do (On liberty). Tư tưởng của John Stuart Mill mang đậm dấu ấn duy lý của văn hóa phương Tây, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhưng không phải là hình mẫu cụ thể, mà chỉ phác họa những nguyên lý nền tảng căn bản, bảo đảm quyền tự do của cá nhân con người đối với cộng đồng xã hội, bảo đảm sự phát triển. Ở châu Á, hơn 100 năm trước, cuốn sách được dịch sang tiếng Nhật, và bản tiếng Việt được xuất bản cách đây mấy năm.
Ảnh minh họa
Trong những quyền tự do của con người mà John Stuart Mill đề cập, có quyền tự do báo chí, và được coi là một trong những quyền căn bản nhất. Tư tưởng của John Stuart Mill ở luận điểm này gần giống với luận điểm của C. Mác, khi ông cho rằng: Báo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người.
Do đó, ở đâu có báo chí, ở đấy có tự do báo chí (C.Mác và Ph.¡ng - ghen Toàn tập, Tập 1 - NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, H.1995, tr.85), Bản chất của báo chí tự do, - đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức tự do (C.Mác và Ph.¡ng-ghen Toàn tập, Sđd, tr.89). Và thiên chức của báo chí tự do được C.Mác đề cao là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói gắn liền với các cá nhân, với nhà nước, với toàn thế giới...
Như vậy, dù hình thái kinh tế- xã hội khác nhau nhưng giá trị phổ quát của quyền con người trong lĩnh vực tự do báo chí, tự do ngôn luận là giống nhau và được tôn trọng. C.Mác coi đối lập báo chí tự do là con quái vật được văn minh hóa nhưng ông không phủ nhận sự kiểm duyệt chân chính bắt rễ từ bản chất tự do của báo chí là sự phê bình. C.Mác cũng cho rằng báo chí tự do phải có luật báo chí bảo đảm.
Trên tinh thần chung đó, ngày nay Hiến pháp của hầu hết các quốc gia đều quy định quyền tự do báo chí. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đã quy định quyền tự do báo chí. Tại Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,....
Luật Báo chí năm 1989 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Báo chí (ngày 12-6-1999) đã thể hiện rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động... Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng.
Dự thảo luật Báo chí (năm 2015) đã dành hẳn một chương quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận theo tinh thần Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013).
Về nguyên tắc, luật pháp các quốc gia công nhận quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng đó không phải là tự do vô hạn dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, nhà nước. Ngay Điều 29 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc ra đời năm 1948 cũng đã thừa nhận Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định - và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ.
Báo chí tự do ở Mỹ cũng như các quốc gia khác vẫn nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật như Bộ luật Hình sự Mỹ (Chương 115, Điều 2385), Đạo luật Phản loạn được quốc hội Mỹ thông qua năm 1798 (Đạo luật ra đời với nhiều ảnh hưởng từ các tư tưởng của cách mạng Pháp năm 1789) quy định: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực... Những quy định chặt chẽ đó không ngoài mục đích ngăn chặn việc lợi dụng tự do báo chí nhằm mục đích chống chính quyền, lật đổ chính quyền, xâm phạm đến quyền tự do của cá nhân khác...
Tuy nhiên, vì sao các quốc gia ở châu Á thường hay bị một số tổ chức ở phương Tây cho rằng không có tự do báo chí, hoặc có mức độ xếp hạng thấp? Như đã nói ở trên, cách tiếp cận về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận theo khuôn khổ pháp luật khác nhau và sự khác biệt về văn hóa đã dẫn đến cách nhìn nhận áp đặt đó.
Ở Singapore năm 1988, khi chính quyền của Thủ tướng Lý Quang Diệu bị chỉ trích là hạn chế quyền tự do báo chí, ông đã xuất hiện trước Hiệp hội Biên tập Mỹ và phát biểu: Chúng tôi cho phép các nhà báo người Mỹ tới Singapore để đưa tin về Singapore cho người dân nước họ biết. Nhưng chúng tôi không thể cho phép họ chiếm vai trò ở Singapore như truyền thông Mỹ có ở Mỹ. Đó là vai trò giám sát, đối nghịch và thẩm tra chính quyền.
Singapore là quốc gia non trẻ, từ điểm xuất phát hầu như là một con số 0 (zero) tròn trĩnh đã phát triển vượt bậc khiến cả thế giới phải khâm phục, tại sao lại phải đối diện với sự chỉ trích mạnh mẽ của phương Tây về quyền tự do, trong đó có tự do báo chí? Trên thực tế, sự phát triển của quốc gia này lại như là một minh chứng cho sự khác biệt về cách tiếp cận các quyền phổ quát của con người mà trước hết cần thừa nhận các quyền ấy phụ thuộc vào hệ thống pháp luật riêng và sự khác biệt văn hóa.
Ngay tại phương Tây, sự kiện thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp) vừa qua gây nhiều tranh cãi và chính Giáo hoàng Francis cũng phải lên tiếng về mức độ tự do báo chí không phải là vô hạn khi tự do đó mang tính xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.
Trở lại vấn đề tự do báo chí, có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia tự do báo chí. Tất cả các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương đều có báo hoặc tạp chí, có địa phương có gần 30 cơ quan báo chí; báo chí còn được phân theo giới tính, lứa tuổi: từ nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, người cao tuổi đều có báo và tạp chí của mình. Thậm chí hội của những người chơi cây cảnh, cá cảnh, chơi ten-nít đều có tạp chí.
Hiện nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm, một hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình, số lượng các kênh chương trình phát thanh - truyền trình quảng bá là 179 kênh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33 đơn vị, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin.
Trước sự phát triển của Internet, các mạng xã hội và nhiều ứng dụng khác, cho đến nay các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam không ngăn chặn và can thiệp, bảo đảm quyền tự do thông tin của mọi công dân. Hành lang pháp lý bao gồm Hiến pháp, luật và các nghị định, thông tư liên quan đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ngày càng tiếp tục hoàn thiện hơn, phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình phát triển của báo chí.
Các cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trở thành diễn đàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân. Quan trọng hơn nữa, báo chí Việt Nam không chỉ đóng vai trò tuyên truyền, phổ biến mà còn phản biện, góp ý cho đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên, tự do báo chí không phải là vô hạn. Quyền tự do đó phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc; không xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Điều 2, luật Báo chí năm 1989 nêu rõ: Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Như vậy, đối với nhà báo, ngoài trách nhiệm thông tin đúng sự thật, vai trò công dân của nhà báo phải được đặt lên hàng đầu với sứ mệnh đặc biệt đối với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trải qua 90 năm phát triển, sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Những người làm báo ở Việt Nam có quyền tự hào về bề dày lịch sử đầy hữu ích của nghề nghiệp và tiếp tục đóng góp vì sự phát triển chung của đất nước trước tình hình mới.
Theo Nhân Dân