Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Tính đến 30/10/2023, 100% các dự án xây dựng mới có khó khăn, vướng mắc đã được hướng dẫn và thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh quochoi.vn.

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đối với 17 địa phương trọng điểm và cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để công an các đơn vị, địa phương thực hiện thống nhất…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, cho đến nay, công an các địa phương đã rà soát lại tất cả các cơ sở có khó khăn, vướng mắc và trực tiếp làm việc, hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy; thành lập các tổ công tác trực tiếp đến 100% các cơ sở còn tồn tại, vi phạm để hướng dẫn các giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. 

Trên cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tính đến 30/10/2023, 100% các dự án xây dựng mới có khó khăn, vướng mắc đã được hướng dẫn và thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa, không còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thiết kế, hoàn thiện hồ sơ để thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy…

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Năm 2024, tập trung thanh tra đối với các dự án có sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả, các dự án trọng điểm lĩnh vực điện, than, dầu khí; các dự án công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng…

Ảnh internet.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Năm 2024, tập trung thanh tra đối với các dự án có sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả. Ảnh internet.

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội về tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Trần Văn Tiến chất vấn liên quan về việc tổ chức thanh tra chuyên đề, thanh tra thường xuyên liên quan đến các dự án có sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả, lãng phí; dự án trọng điểm liên quan đến lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; dự án công trình đưa đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng theo Nghị quyết 74 của Quốc hội. Về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời, thực hiện nghị quyết 74 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 chỉ đạo các bộ, ngành địa phương, nhất là bộ tài chính thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội. Thanh tra Chính phủ đã và đang tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thanh tra nội dung này là thanh tra thường xuyên, mà không thực hiện thanh tra chuyên đề.

Với lực lượng Thanh tra Chính phủ rất mỏng, hiện nay chỉ có khoảng 400 cán bộ công chức, viên chức, trong đó cán bộ làm trực tiếp công tác thanh tra chỉ có hơn 200 người, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ thanh tra cho Ban chỉ đạo Trung ương và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nên không thể hoàn thành được trong năm 2023-2024 như Nghị quyết 75 đã nêu.

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Chương trình thanh tra năm 2023 và năm 2024 có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thanh tra có trọng tâm, trọng điểm trong đó tập trung thanh tra đối với các dự án có sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả, các dự án trọng điểm lĩnh vực điện, than, dầu khí; các dự án công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng…

Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ đôn đốc và yêu cầu các bộ ngành địa phương, nhất là Bộ Tài chính báo cáo kết quả thanh tra về các nội dung này theo kiến nghị của Đoàn giám sát cũng như Nghị quyết 74 của Quốc hội, cùng với kết quả của Thanh tra Chính phủ để tổng hợp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Bộ Tư pháp cũng được yêu cầu một số vụ việc giám định vượt quá nội hàm, phạm vi theo quy định của pháp luật về giám định

Ảnh quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh quochoi.vn.

Trả lời các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, về giám định tư pháp, theo quy định trong luật, giám định tư pháp là sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn, về những vấn đề có liên quan đến các hoạt động tố tụng. Đây là những kỹ thuật nghiệp vụ sâu, chuyên môn, cụ thể, ví dụ như khám nghiệm tử thi, kiểm tra hàm lượng ma túy… Bộ trưởng cho rằng, theo nội dung đại biểu phản ánh, việc trưng cầu liên quan đến áp dụng pháp luật là vượt quá nội dung, nội hàm giám định tư pháp quy định trong luật.

Theo Bộ trưởng, Luật Giám định tư pháp đã quy định tương đối rõ về trách nhiệm của cơ quan tổ chức trưng cầu giám định và người được trưng cầu. Trong đó có những quy định chung như: Phải đúng lĩnh vực chuyên môn, đúng nội hàm, đúng phạm vi, trong khả năng của cơ quan giám định theo quy định, có quyền từ chối nếu không đúng các phạm vi. 

Bộ trưởng cũng cung cấp thông tin, thực tiễn vừa qua, Bộ Tư pháp cũng được yêu cầu một số vụ việc giám định vượt quá nội hàm, phạm vi theo quy định của pháp luật về giám định. Rà soát pháp luật, Bộ trưởng cho biết, trách nhiệm mỗi bên, nội dung nội hàm giám định tư pháp đã được quy định khá rõ. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, làm rõ hơn nữa về nội dung này.

Về trách nhiệm, Bộ Tư pháp chỉ có trách nhiệm tham mưu, tổng hợp, theo dõi, báo cáo, đề xuất một số vấn đề liên quan đến chính sách, còn các Bộ, các ngành vẫn là cơ quan chủ thể quản lý chịu trách nhiệm cụ thể trong các công việc của mình. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành tiếp tục có các chương trình bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, gợi ý thêm cho các cán bộ trực tiếp trưng cầu giám định để đảm bảo đúng nội hàm, yêu cầu. 

Về vấn đề liên quan đến pháp chế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, xung quanh việc sửa đổi Nghị định 55, có hai vấn đề lớn: thứ nhất là tổ chức bộ máy, thứ hai là chế độ bồi dưỡng, ngoài ra còn có công tác đào tạo bồi dưỡng. Hiện Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Nội vụ để có một số đề án tăng cường năng lực cho người làm công tác xây dựng pháp luật.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn: Báo cáo kiểm toán sau khi được phát hành, công bố công khai, có giá trị thực hiện bắt buộc

Ảnh quochoi.vn.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh quochoi.vn.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: Về các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kiến nghị, kết luận kiểm toán, Điều 7 Luật Kiểm toán Nhà nước đã có quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, theo đó, báo cáo kiểm toán Nhà nước sau khi được phát hành, công bố công khai, có giá trị thực hiện bắt buộc đối với đơn vị được kiểm toán về những sai phạm tài chính công, tài sản công đã nêu trong báo cáo.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, kiến nghị của kiểm toán có ba nhóm vấn đề. Thứ nhất là về xử lý tài chính, thứ hai là xử lý trách nhiệm tổ chức cá nhân có liên quan, thứ ba là hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật. Qua theo dõi có thể thấy, kiến nghị của kiểm toán thường được thực hiện từ 75 đến 80% cho năm liền kề với năm kiểm toán, còn 15 đến 20% thực hiện vào những năm tiếp theo. 

Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, thực tế chứng minh rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm trễ thực hiện kiến nghị kiểm toán thuộc về ba nhóm nguyên nhân: nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán; nguyên nhân thuộc trách nhiệm kiểm toán nhà nước; các nguyên nhân khác. Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước rất quan tâm đến việc thực hiện kiến nghị trong kết luận kiểm toán. 

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác này, thời gian tới, cần kiện toàn khung khổ pháp lý trong việc thực hiện kiến nghị trong kết luận kiểm toán, nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương.

PV (ghi)