Báo cáo của Chính phủ gửi lên Quốc hội thì trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài. Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Ảnh internet.
Từ năm 2021 - 06/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị. Ảnh internet.

Đó chỉ là hai trong vô số các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội được Chính phủ nêu tại báo cáo việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực xây dựng, vừa được gửi tới Quốc hội. Theo đó, Quốc hội đã yêu cầu hoàn thiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên bố trí đủ quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua nhà ở xã hội.

Chính phủ nhận định, nhìn chung, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trách nhiệm của địa phương cũng như doanh nghiệp sử dụng lao động trong khu công nghiệp.

Từ năm 2021-06/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn (trong đó có 105 dự án được cấp phép xây dựng mới, với quy mô xây dựng khoảng 85.662 căn).

Tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án, với tổng số hơn 18.700 căn. Trong đó, nhà ở xã hội có 06 dự án quy mô 7.730 căn.

Tổng dự án được công bố là 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả, báo cáo cũng nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc cần cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết, như các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành nhưng chưa đủ hấp dẫn, có nội dung chưa thực chất nên không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Từ năm 2021 - 06/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị.
Từ năm 2021 - 06/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị. Ảnh internet.

Quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 05 năm đưa vào sử dụng; trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn gây lãng phí xã hội và giảm thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội để cho thuê.

Cạnh đó, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu rất lớn của các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở.

Việc yêu cầu tất cả các dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội mà không căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương… có thể dẫn đến tình trạng quỹ đất này không được đưa vào đầu tư, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai và làm tăng giá nhà ở, Chính phủ nhận định.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình, cũng là hạn chế được Chính phủ đề cập.

Phần phương hướng, giải pháp, Chính phủ cho biết, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở xã hội; hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở sửa đổi đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Chính phủ cũng “hứa” quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Giải pháp tiếp theo được báo cáo Quốc hội là đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Hoàng Vũ (t/h)