Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh lý giải lý do không tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội: Nếu tăng lợi nhuận sẽ khiến nâng giá bán nhà ở cho người thu nhập thấp. Pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ các hình thức đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội; trong đó có cả hình thức Nhà nước đầu tư và huy động các nguồn lực thông qua huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các hình thức đầu tư khác.

Ảnh minh họa internet
Lý do không tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Ảnh minh họa internet

Thứ trưởng Sinh chia sẻ: Hiện các dự án nhà ở xã hội chủ yếu là huy động doanh nghiệp đầu tư, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà, bởi lợi nhuận mỏng, khó tiếp cận tín dụng cũng như quỹ đất. Trước đây việc dành quỹ đất cho phát triển, đầu tư nhà ở xã hội chủ yếu là thực hiện trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại. Việc sửa đổi Luật Nhà ở được thực hiện theo hướng sẽ giao cho Uỷ ban nhân dân các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình phát triển nhà ở.

Về vấn đề ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong giai đoạn vừa qua cũng đã có một số quy định rất rõ, như: quy định về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ vay vốn đầu tư. Thời gian tới, khi sửa Luật Nhà ở 2014, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội theo hướng “có sự hỗ trợ tích cực hơn” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin: "Trong đó tiếp tục hỗ trợ miễn tiền sử dụng đất, có hỗ trợ liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, được hưởng lợi nhuận là 10%, cũng như là được dành 20% diện tích đất để có thể đầu tư các khu thương mại, dịch vụ, để phục vụ cho cư dân trong các khu đô thị mà chủ đầu tư đã làm. Được các địa phương sẽ hỗ trợ để đầu tư các hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội trong khu dự án nhà xã hội của mình".

Lý do không tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Ảnh internet.
Lý do không tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Ảnh internet.

Trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, một vấn đề quan trọng là lợi nhuận cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cũng được đưa ra bàn thảo kỹ. Có nhiều ý kiến cho rằng tại sao không nâng lợi nhuận lên 15% để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhưng Ban soạn thảo vẫn giữ nguyên mức lợi nhuận 10%:

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: "Nếu tăng lợi nhuận từ 10% lên 15%, vô hình chung chúng ta cũng lại nâng giá bán nhà cho người thu nhập thấp và làm khó khăn hơn cho người thu nhập thấp. Hầu hết các doanh nghiệp cũng cho ý kiến, với những chính sách ưu đãi như hiện nay, lợi nhuận 10% là ổn định rồi". 

"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Vì thế, trong giai đoạn tới, nguồn cung về nhà ở xã hội sẽ tốt hơn. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ký đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 với những giải pháp rất đồng bộ, sẽ đồng bộ cả về thể chế, thủ tục hành chính, nguồn vốn, đất đai", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.

Sắp tới, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 15 sẽ thông qua Luật Nhà ở sửa đổi, trong đó nhóm chính sách nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực ngay. Với các chính sách mới này, kỳ vọng, chính sách về nhà ở xã hội sẽ đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp.

Xuân Hải (t/h)