Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) đã từng xây dựng đề án 655 xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, mua và bán. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thực tế thị trường và Tổng LĐLĐ có đánh giá: Công nhân, người lao động tại Khu Công nghiệp - Khu Chế xuất (KCN-KCX) có nhu cầu thuê rất là lớn. Do đó, nguồn lực của Tổng Liên đoàn chỉ đầu tư vào nhà xã hội cho công nhân thuê tại KCN-KCX. Ông Nghĩa khẳng định: Việc chỉ cho công nhân, người lao động thuê đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến đưa vào Luật Nhà ở sửa đổi theo hướng Tổng LĐLĐ đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.
Trên thực tế, nhu cầu nhà ở cho công nhân tại KCN-KCX là rất lớn nhưng chưa thực hiện được nhiều. Hiện, Tổng LĐLĐ mới triển khai thí điểm tại Hà Nam được 244 căn. Đến nay, dự án này được công nhân thuê lấp đầy 100%.
Thực tế, việc triển khai dự án về nhà ở xã hội cho công nhân do Tổng LĐLĐ thực hiện hiện đang vướng mắc một số Luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Hiện nay ,Tổng LDĐLĐ đã báo cáo Thủ tưởng, trình Quốc hội và đưa vào Luật Nhà ở sửa đổi. Dự kiến trong tháng 10 tới sẽ xin ý kiến Quốc hội thông qua Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Đất đai, Luật Bất động sản.
Theo ông Nghĩa, nếu Tổng LĐLĐ được tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là điều đáng mừng. Người lao động cũng sẽ được hưởng nhà ở do Tổng LĐLĐ thực hiện. Nếu Quốc hội thông qua Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Bất động sản sửa đổi, khi luật có hiệu lực thì 03 tháng sau, Tổng LĐLĐ sẽ triển khai được dự án.
"Qua khảo sát, nhu cầu chính của công nhân, người lao động là thuê nhà. Nếu cho thuê, những nhà ở xã hội này là tài sản của Tổng LĐLĐ, các thế hệ lao động trong KCN-KCX đó di chuyển liên tục, làm 1-2 tuần hoặc đến 10 năm sau lại về quê. Sau đó, các đợt công nhân khác vào làm việc và lại thuê nhà ở xã hội. Như vậy luân chuyển liên tục sẽ phù hợp trong chăm lo cho người lao động", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Để thực hiện đề xuất, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 09c/NQ-BCH về điều chính giảm tỷ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ đoàn viên, công nhân, lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng LĐLĐ, từ đó lấy nguồn đó làm nhà ở cho công nhân.
Năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 03 quỹ từ quỹ kết dư của năm dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có nhà ở cho công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng được khoảng chục khu nhà ở cho công nhân.
Thông tin từ Tổng LĐLĐ, giá thuê nhà được tính theo quy định pháp luật Việt Nam. Trong tổng thể dự án có xây dựng nhà ở và nhà đa năng, khu thể thao…. nhưng là giá thuê rẻ. Như mô hình ở Hà Nam, giá thuê khoảng 1 triệu đồng/căn hộ 40 m2. Giá thuê rẻ hơn khoảng 30-40%. Tuy nhiên, tiện ích sống đầy đủ hơn và có đầy đủ khu vui chơi giải trí.
Lý do của việc cho công nhân, người lao động thuê giá rẻ là một phần do vốn của Tổng LĐLĐ không phải đi vay nên có ưu đãi cho người lao động. Việc thu hồi trong 10-20 năm tùy theo mức độ công trình.
"Theo tôi, quan trọng là cơ chế quản lý khu nhà ở xã hội phải rõ ràng và minh bạch. Nếu có sự cố gì trong quá trình sử dụng, chỉ sau khoảng 30 phút tiếp nhận thông tin, đơn vị vận hành phải đến xử lý", ông Nghĩa cho hay.
Ngọc Thạch (t/h)