Theo SLC, việc hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu là do Công ty không còn đáp ứng điều kiện là Công ty đại chúng. Cụ thể, số lượng cổ đông đã giảm xuống dưới con số 100 cổ đông.
Một số cổ đông của công ty phản ánh, với việc hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM, thanh khoản của cổ phiếu sẽ kém hơn, tính công khai minh bạch giảm, các cổ đông nhỏ lẻ sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, cổ đông này cũng bày tỏ sự thất vọng trước kết quả hoạt động kinh doanh của SLC.
Ảnh minh họa
SLC tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, thành lập vào năm 1991, đến năm 2015 được cổ phần hóa. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và cho thuê lại lao động. SLC được đánh giá là một công ty có uy tín và chất lượng dịch vụ tốt, đã đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó số lao động kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao, có thu nhập ổn định, ít gặp phải rủi ro, tranh chấp.
Sau khi được cổ phần hóa, SLC có vốn điều lệ 92 tỷ đồng, trong đó, cổ đông nhà nước nắm giữ 25%. Phần vốn này do Công ty Ðầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM làm đại diện. Hiện cổ đông nhà nước chưa thoái vốn.
Ðiều đáng nói là, sau cổ phần hóa, dù vốn điều lệ tăng lên và kế hoạch của SLC “thận trọng” hơn giai đoạn trước đó, nhưng thực tế hoạt động kinh doanh của Công ty cũng không đạt kế hoạch. Sở hữu thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động có tay nghề sang các thị trường phát triển, lại có lợi thế về đất đai, nhưng kết quả hoạt động của Công ty đi xuống so với trước khi cổ phần hóa. (Sau cổ phần hóa, SLC được sử dụng nhà số 635A, đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM có diện tích 842 m2 làm trụ sở và sử dụng 12.305 m2 tại số 165 đại lộ 3, quận 9, TP.HCM để làm Trường Trung cấp nghề Suleco. Ðây đều là đất thuê trả tiền hàng năm).
Tháng 4 vừa qua, SLC đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức Ðại hội đồng cổ đông thường niên, nhưng sau đó, Công ty có văn bản xin gia hạn thời gian tổ chức để có thêm thời gian hoàn thiện tài liệu.
Ðược biết, cổ đông lớn chi phối SLC hiện nay là Công ty Hoàn Lộc Việt. Khi cổ phần hóa, Công ty Hoàn Lộc Việt nắm giữ 36% cổ phần của Suleco. Ðến cuối năm 2017, Hội đồng quản trị Suleco đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản và Ðại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết chấp thuận cho Hoàn Lộc Việt nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông hiện hữu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 67,4%. Trong thời gian tới, nếu các cổ đông nản lòng có nhu cầu thoái vốn tại Suleco, Công ty Hoàn Lộc Việt sẽ được nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu này, mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Hằng Vương