THCL Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định: Việc trốn thuế, rửa tiền hé lộ tại “Hồ sơ Panama” nhiều khả năng cũng có thể sẽ xuất hiện trong dòng vốn vào Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện khả năng kiểm soát tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.

“Thiên đường thuế” là cụm từ nóng được nhắc tới sau khi Hồ sơ Panama được báo chí phanh phui. Từ vụ việc này, ông bình luận gì về hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam?

Đến thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện DN có vốn đầu tư nước ngoài nào có liên quan tới “Hồ sơ Panama”. Tuy nhiên, vụ việc đã giúp cơ quan chức năng cảnh giác hơn với các DN đến từ các “thiên đường thuế”. Đây là những hòn đảo hoặc khu vực tự do có quy định thuế thu nhập DN bằng 0% nên nhiều nhà đầu tư đã lập ra công ty tại đây để đầu tư đi nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Khi vào Việt Nam, họ tận dụng mọi ưu đãi thuế trong nước rồi sau đó, chuyển tiền trở lại các khu vực “thiên đường thuế” để hưởng mức thuế bằng 0%.

Từ vụ Hồ sơ Panama, ngành thuế cần tăng cường tiếp cận nhiều nguồn thông tin, phát triển bộ phận quản lý rủi ro và tăng cường giao lưu thêm thông tin trong và ngoài nước, chia sẻ - nắm bắt thông tin với những cơ quan thuế mà chúng ta đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Đồng thời, phải rà soát lại các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để có thể đàm phán lại với những phần không còn phù hợp.

Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama cho thấy, cuộc chiến chống gian lận thuế đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều quốc gia, trong đó có việc trao đổi thông tin, chống gian lận. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Việc trốn thuế, rửa tiền như vụ “Hồ sơ Panama” vừa được phanh phui, nhiều khả năng xuất hiện trong dòng vốn vào Việt Nam. Vì vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện khả năng kiểm soát tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại. Về vấn đề này, Việt Nam không thể làm riêng lẻ, mà cần sự phối hợp quốc tế.

Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo cách tận dụng tối đa ưu đãi thuế rồi bỗng dưng “biến mất”. Có nhà đầu tư gần hết thời hạn ưu đãi thì nhanh chân “cuốn gói”, tuyên bố phá sản. Nhiều thương hiệu lớn có hiện tượng thua lỗ kéo dài, không nộp thuế và sau khi thanh tra, cơ quan thuế phát hiện có dấu hiệu chuyển giá.

Vì vậy, cần rà soát lại hệ thống luật pháp, thể chế để tổng kết thực tiễn xem thời gian qua, những ưu đãi nào là phù hợp và chính sách nào cần cắt bỏ. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu của riêng mình dựa trên kết quả tự thanh tra, kiểm tra thuế tại DN, việc mua thông tin tình báo để phát hiện sớm các trường hợp trốn thuế quy mô lớn cũng cần được tính đến nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chống gian lận thuế.

Có ý kiến cho rằng, chính những kẽ hở trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trốn thuế, gây thiệt hại cho ngân sách, trong khi các nhà đầu tư trong nước bị thiệt thòi?

FTA với những quy tắc không phân biệt đối xử, đòi hỏi các quốc gia phải bình đẳng với các nhà đầu tư, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch. Chính vì vậy, khi đã hội nhập quốc tế, Việt Nam không thể phân biệt đối xử với các nhà đầu tư đến từ nước ngoài và ngược lại, ưu đãi này cũng bình đẳng với nhà đầu tư trong nước. Vấn đề cần làm là siết chặt quản lý và hạn chế các lỗ hổng pháp lý khiến chính sách ưu đãi bị lợi dụng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cao Huyền (Thực hiện)